Read more
Thích Nhất Hạnh Podcourse by Vô Ngã
Sách Thiền Sư Thích Nhất Hạnh
Đọc và download hàng trăm quyển sách của Thầy tại đây.
Con Đã Có Đường Đi
Con Đường Của Phật
Những đóng góp của đạo Phật cho một nền đạo đức toàn cầu
Chương 9. Thế Nào Là Khổ, Thế Nào Là Vui?
Nhìn Sâu Vào Lòng Thực Tại
Trong đạo Bụt có nói
tới tiêu chuẩn khổ, vui. Đây cũng là tiêu chuẩn của một số các nhà đạo đức học.
Có một trường phái đạo đức học tên là Công lợi chủ nghĩa (Utilitarianism). Chủ
trương của trường phái này là bất cứ một hành động nào, một tư duy nào có tác dụng
làm vơi nỗi khổ, đem lại hạnh phúc đều gọi là chánh. Còn hành động nào, lời nói
nào, tư duy nào mà đưa tới đau khổ thì được gọi là tà. Chủ trương này hơi giống
với chủ trương của Tứ diệu đế. Câu hỏi đặt ra là muốn có hạnh phúc thì mình phải
làm cái gì? Điều này giống sự thực về Diệt đế. Khi biết mình muốn cái gì rồi,
thì mình biết sẽ phải làm cái gì.
Trong đạo Bụt cái này
gọi là Bát chánh đạo. Bát chánh đạo chính là con đường Diệt khổ. Chánh nghiệp
là hành động chân chính. Nhưng để biết hành động của mình đúng hay sai thì phải
xem hành động đó sẽ đem lại cho mình hạnh phúc hay khổ đau. Nếu nó đem lại hạnh
phúc tức là mình hành động đúng, còn ngược lại, nếu nó mang tới khổ đau thì
hành động đó đã sai rồi. Ví dụ, nói dối là không tốt nhưng nếu nói thật mà khiến
cho người ta đau khổ thì trong trường hợp này nói dối lại là tốt. Cho nên nói dối
là tốt hay xấu còn tùy thuộc vào từng trường hợp, quan trọng là thành quả, tức
là cứu cánh biện minh cho phương tiện.
Ngày mùng 6 tháng 8
năm 1945, Mỹ thả trái bom nguyên tử đầu tiên ở thành phố Hiroshima. Chỉ mấy
phút sau có tới một trăm bốn chục ngàn (140.000) người thiệt mạng. Người ta đã
đặt vấn đề rất nhiều về trái bom đó suốt từ năm 1945 cho đến bây giờ. Bỏ trái
bom nguyên tử như vậy là đúng hay là sai? Có những người cho là đúng, vì theo họ
thì tuy là làm cho một trăm bốn mươi ngàn người dân vô tội phải chết nhưng nhờ
đó mà chấm dứt được chiến tranh. Nếu để chiến tranh tiếp tục kéo dài thì có thể
con số người chết còn nhiều hơn thế nữa. Nhưng những người khác không chấp nhận,
họ phản đối và nói rằng có thể dùng những phương tiện khác để chấm dứt chiến
tranh mà không cần phải bỏ bom như vậy.
Hồi đó tổng thống Mỹ
Roosevelt đã ra một sắc lệnh rất rõ ràng và chi tiết là: “Trong những cuộc hành
quân, quân đội chỉ được quyền tấn công căn cứ quân sự của đối phương thôi, phải
tránh tối đa sự thiệt hại về dân sự.” Sau khi tổng thống Roosevelt chết, tổng
thống Truman lên thay, ông ta cũng nói rằng: “Tôi không đồng ý chuyện hành quân
mà làm cho dân chúng thiệt hại.” Khi ấy ông ta chưa biết rằng nước Mỹ đã có bom
nguyên tử. Sau này, các nhà quân sự tới nói với ông rằng cần phải bỏ trái bom
này để cho Nhật thấy mà đầu hàng. Các nhà cố vấn cũng cho biết khi bỏ trái bom
này thì sẽ có khoảng một trăm ngàn (100.000) người chết. Nhưng nếu Mỹ bỏ trái
bom này thì Nhật sẽ hoảng sợ và lập tức đầu hàng. Như vậy chiến tranh sẽ nhanh
chóng chấm dứt. Không biết rằng họ đã nói khéo thế nào mà sau đó tổng thống Truman
thay đổi quan điểm, ông ta đồng ý cho thả trái bom xuống Hiroshima.
Trước đó thì quân đội
đồng minh đã đổ bộ lên Normandie bên Pháp, trận đánh diễn ra rất ác liệt và số
người chết của cả hai phe cũng khá đông. Ở Thái Bình Dương quân đội đồng minh
đã bắt đầu chiếm thế thượng phong. Nhưng người ta cũng không biết rằng chiến
tranh sẽ kéo dài bao lâu. Vì vậy mà các nhà quân sự Mỹ đã đề nghị với tổng thống
Truman bỏ thử trái bom nguyên tử đầu tiên. Người ta ghi chép lại rằng tổng thống
Truman nói: “Sau khi quyết định thả trái bom xong, tôi thấy khoẻ cả người, tôi
ngủ ngon như một em bé.” Kể cũng lạ thật, mình biết trước là sẽ có một trăm
ngàn người hoặc hơn thế nữa phải chết vì quyết định của mình vậy, mà vẫn có thể
ngủ ngon được?
Hai ngày sau khi thả
trái bom, Nhật vẫn chưa đầu hàng. Một trăm bốn mươi ngàn người (140.000) người
chết ngay lúc đó. Và những phóng xạ nguyên tử tiếp tục làm cho hàng ngàn, hàng
chục ngàn người khác chết trong những năm sau đó. Tôi có vào thăm viện bảo tàng
Hiroshima và thấy những chứng tích rất ghê gớm. Có những chồng bát đĩa ở trong
các nhà hàng, những cái hộc đựng dao, đựng muỗng bằng sắt, khi trái bom rơi xuống
đã tạo ra sức nóng ghê hồn đến nỗi những cái chén trà chảy ra và đóng thành một
cục. Tất cả những cái muỗng, cái thìa, cái dao cũng chảy và đóng thành một cục.
Nóng quá nên mọi người nhảy xuống ao, xuống hồ. Nhưng mà nước ao, nước hồ cũng
nóng, cho nên chỉ trong vòng chưa đầy một phút mà một trăm bốn mươi ngàn
(140.000) người chết là vậy.
Sau đó ba ngày, ngày
9 tháng 8, Mỹ lại bỏ thêm một trái bom nguyên tử nữa ở Nagasaki. Thành phố này
nhỏ hơn. Trái bom thứ hai lập tức giết chết bảy mươi ngàn (70.000) người dân vô
tội. Đây là một vấn đề rất lớn, nên bỏ hay không nên bỏ trái bom đó? Một bên lý
luận rằng nếu bỏ hai trái bom này thì bên kia sẽ hoảng sợ và đầu hàng, do đó sớm
chấm dứt chiến tranh. Còn một bên nói rằng có những phương pháp khác để thiết lập
hòa bình. Ai dám chắc rằng Nhật sẽ đầu hàng? Cái chuyện Nhật không đầu hàng có
thể xảy ra. Ví dụ như khi thả trái bom đầu tiên Nhật vẫn chưa đầu hàng. Tới
trái bom thứ hai Nhật mới chịu đầu hàng. Vậy thả bom là đúng hay sai? Tốt hay xấu?
Mình không thể biết trước được điều gì sẽ xảy ra nhưng mình gánh trách nhiệm rất
lớn.
Tiêu Chuẩn Về Đạo Đức
Nền đạo đức học tìm
ra những tiêu chuẩn, những quy phạm để có thể biết rằng hành động đó đúng hay
sai, gọi là đạo đức học tiêu chuẩn. Tiêu là cái mốc, là cái thước để đo xem
hành động đó đúng hay sai, tốt hay xấu. Bát chánh đạo chính là con đường của đạo
đức học tiêu chuẩn. Nhưng thế nào được gọi là chánh? Chánh nghĩa là gì? Tư duy như
thế nào thì được gọi là chánh tư duy? Cái thấy nào mới là chánh kiến?
Trong nền đạo đức học Phật giáo, chánh kiến là cái thấy tương tức, cái thấy bất nhị, cái thấy vô thường, cái thấy vô ngã, cái thấy duyên sinh, nhưng đó cũng chỉ là những cái thấy tương đối thôi. Có một cái thấy vượt tất cả các cái thấy khác cái gọi là phá chấp, đó là chính là định nghĩa cao nhất về chánh kiến. Đây là điều rất đặc biệt của Phật giáo.
Thiền Sư Thích Nhất Hạnh
Vì vậy, đạo Bụt cũng
là một nền đạo đức học tiêu chuẩn. Khi mình tư duy có từ bi, có hiểu biết thì
cái đó thuộc về chánh tư duy. Còn trong tư tưởng mà có sân, có si, có tham thì
không phải là chánh tư duy. Đó là định nghĩa, và cũng là cái thước đo xem quyết
định của mình là chánh hay tà.
Ở bên Anh có một cô
sinh viên hai mươi tuổi tên là Elisabeth Anscombe, sau đó cô trở thành một nhà
triết học nổi tiếng chuyên về đạo đức học. Cô là người Công giáo. Chủ trương của
cô là không được giết hại. Dù với lý do gì đi nữa cũng không được giết. Một người
còn không được giết, huống chi là một trăm bốn mươi ngàn người (140.000), sau
đó lại còn giết hại thêm bảy mươi ngàn người (70.000) vô tội nữa. Không thể vì
bất cứ một lý do gì mà mình có thể giết hại được, dù là để có hòa bình. Tại vì
cái đó là mệnh lệnh của Thượng đế.
Nhà triết học Kant
người Đức nói rằng: “Nguyên tắc đạo đức là không di chuyển được. Nếu nói dối là
phi đạo đức, thì nói dối để cứu người cũng phi đạo đức như thường.” Ông ta nói
tới cái gọi là mệnh lệnh tất yếu, mệnh lệnh tuyệt đối. Nói sự thật là một mệnh
lệnh tuyệt đối. Khi mình nói sự thật thì mình muốn tất cả những người khác cũng
đều phải nói sự thật hết. Theo ông ta cái đó mới đúng là đạo đức. Còn nếu nói dối
dù là để cứu người hay để làm cái gì thì cũng không được. Kant không nói tới
Thượng Đế mà nói tới cái lý tính của con người. Còn bên phía chủ nghĩa công lợi
thì du di hơn nhiều. Theo họ thì nói dối cũng được, giết người cũng được miễn
nó làm vơi bớt khổ đau, đưa tới hạnh phúc.
Mười một năm, sau cái
ngày bỏ bom xuống nước Nhật, Tổng thống Truman qua nước Anh và được trường Đại
học Oxford trao tặng bằng tiến sĩ danh dự thì Elisabeth Anscombe, cô thiếu nữ
xưa kia nay đã trở thành một giáo sư và đang giảng dạy về đạo đức học, vẫn rất trung
thành với đạo đức học của Công giáo. Bà ta nói rằng: “Có những cái mà mình
không thể làm được dù có điều gì xảy ra đi nữa”. (There are something that may
not be done, no matter what)”. Ví dụ như là để cứu thế giới mà mình bắt buộc phải
giết chết một em bé, phải cho em bé đó vào trong nước sôi để luộc thì mình cũng
không thể làm được. Có người nói là cô này cứng quá, cũng như ông Kant là cứng
quá, không nhu nhuyễn. Trong lúc trường đại học Oxford đang tổ chức lễ trao bằng
danh dự, khen ngợi Tổng thống Truman thì triết gia Elisabeth Anscombe tổ chức
các sinh viên trong trường biểu tình quỳ xuống cầu nguyện để chống lại quyết định
trên.
Tôi đã quán chiếu nhiều
lần về những vùng mà bom nguyên tử đã rơi xuống. Và tôi thấy rằng bỏ trái bom
nguyên tử trên vùng Hiroshima và Nagasaki không phải chỉ là vấn đề chấm dứt chiến
tranh mà thôi.
Tôi thấy rằng nước Mỹ
cũng muốn thử trái bom đó. Tuy là họ đã thử rồi nhưng họ vẫn muốn thử trên một
thành phố. Có thể khi trái bom đó nổ ra thì người ta sẽ biết rằng nước Mỹ là một
nước vô địch, một nước siêu cường. Không một nước nào trên thế giới có thứ vũ
khí tối tân như thế. Do đó uy lực và quyền năng của nước Mỹ được tăng tiến. Vì
vậy, lý do bỏ trái bom xuống không phải chỉ để cho Nhật đầu hàng. Đứng về
phương diện quân sự là một chuyện mà đứng về phương diện chính trị lại là một
chuyện khác. Thành ra phải nhìn cho kỹ để thấy rõ rằng cái tâm lý đưa tới quyết
định bỏ trái bom đó không hẳn chỉ để có hoà bình, để chấm dứt chiến tranh mà
trong đó còn có những yếu tố khác nữa. Đây là những vấn đạo đức học rất lớn và mình
phải quán chiếu mới thấy được.
Khổ Và Lạc
Đạo Bụt nói tới tiêu
chuẩn, và cái tiêu chuẩn đầu tiên là tiêu chuẩn khổ-lạc. Cái gì đưa tới khổ thì
mình không làm. Cái gì đưa tới vui thì mình làm. Nhưng đó cũng chỉ là một tiêu
chuẩn tương đối thôi. Mình không thể chỉ dùng mỗi tiêu chuẩn này thôi mà được.
Ví dụ trong khi sử dụng ma túy mình thấy sướng quá và mình đắm chìm trong giây phút
khoái lạc ấy, nhưng sau đó thì mình lại khổ vì cơn nghiện hành hạ. Vì vậy, cái
sướng lúc trước không thực là sướng vì đằng sau cái sướng ấy là cái khổ.
Nhưng cũng có những
cái khổ mà khi nhìn sâu vào thì lại là sướng. Ví dụ: Ngày xưa có một thí sinh mới
có 16 tuổi nhưng làm bài thi rất xuất sắc. Bài của anh ta đáng lý phải chấm đậu
đầu, đậu giải nguyên, nhưng các quan trường nói rằng chàng trai này còn nhỏ
quá, nếu mình cho đậu thì nó sẽ quá tự cao. Đào tạo người trước hết phải chú trọng
tới cái đức, sau đó mới tới cái tài. Vì vậy, kỳ này mình phải đánh hỏng nó, rồi
kỳ sau sẽ cho nó đỗ đầu lại, như vậy sẽ mài dũa bớt cái tự hào của nó. Đó là
suy tư của các quan trường. Đứng về phương diện lý luận thì trường hợp này rất
là oan. Ta làm bài hay nhất, xứng đáng đỗ đầu thế mà đánh ta bị hỏng để sang
năm cho đậu đầu. Lỡ sang năm ta chết trước kỳ thi thì sao? Vậy quyết định như
thế nào là đúng? Đó cũng là một quan niệm về đạo đức. Tại vì đất nước cần người
tài đã đành rồi nhưng những người có đức còn cần hơn. Nếu người đó vừa có tài lại
vừa có đức nữa thì đất nước được nương nhờ. Có những cái khổ rất cần thiết vì
nó giúp cho ta nên người. Vì vậy cái khổ đó chưa chắc là xấu, chưa chắc là sai.
Về đạo đức, về phong
tục cũng như về nhận thức, phương Tây và phương Đông khác nhau khá nhiều. Ví dụ
như ngày xưa ở bên Trung Quốc, một người phạm tội lớn như tội giết vua thì
không những người đó bị án tử hình mà còn bị tru di tam tộc. Tru di tam tộc
nghĩa là giết hết tất cả ba họ của người ấy, dù những người kia không có tội tình
gì, tại vì người ta có quan niệm rằng gia đình không biết dạy nhau thành ra phải
hứng chịu chung một trách nhiệm. Đứng về phương diện chủ nghĩa cá nhân thì cái
đó rất là bất công, một người làm mà tất cả gia đình đều phải gánh tội. Nhưng
nhìn lại cũng có cái lý ở trong đó. Trong một gia đình, nếu một người bị đau ốm,
bị tai nạn, hay đã làm cái gì sai pháp luật mà bị đi tù thì dù những người kia
không bị đau ốm, không bị đi tù cũng thấy khổ đau. Người ta nói tại cha mẹ
không dạy con cho nên phải phạt luôn cha mẹ. Người ta nói anh em không dạy nhau
cho nên phải phạt luôn cả anh em. Đó là những tiêu chuẩn đạo đức khác nhau
trong mỗi xã hội.
Ngày xưa lại có một bộ
tộc có thói quen khi ông bà chết thì phải lập tức xé thịt ông bà để ngồi ăn với
nhau. Họ nghĩ rằng làm như vậy tức là ông bà sẽ tiếp tục sống trong mình và đó
là hành động có hiếu. Còn nếu ông bà chết mà mình không ăn thịt thì mình là kẻ
bất hiếu. Đối với những giống dân khác thì đây là một việc làm hết sức dã man. Nhưng
nếu mình nói: Ở đất nước tôi, mỗi khi ông bà chết thì chúng tôi đem chôn hoặc
đem đi thiêu thì những người trong bộ tộc kia sẽ giận lắm và họ nói điều đó là
phi đạo đức, phi luân lý. Thành ra cái đúng, cái sai, cái phải, cái trái, cái
thiện, cái ác còn tùy theo văn hóa địa phương.
Năm 2000 có một người
phụ nữ sống ở vùng Địa Trung Hải sinh được hai đứa con sinh đôi, một bé tên là
Mary, một bé tên là Judia, nhưng hai em bé dính liền vào nhau. Chúng có chung một
lá phổi, một trái tim nhưng tim và phổi đều nằm ở bên bé Judia. Judia phải thở
và co bóp tim để gửi máu tới nuôi Mary. Khi hai cháu sinh ra, các bác sĩ biết rằng
chỉ vài tuần sau là cả hai đứa đều sẽ chết. Các bác sĩ nghĩ rằng có thể sẽ cứu
được ít nhất là được một đứa nếu đem giải phẫu, tách chúng ra. Còn nếu không giải
phẫu thì cả hai đứa sẽ chết. Nhưng gia đình này là gia đình theo Công giáo, họ
nhất định không cho mổ. Thà rằng họ chấp nhận cả hai đứa đều chết chứ không thể
nào cho phép mổ để một đứa chết, một đứa sống được. Các bác sĩ nói, điều này rất
vô lý, tại sao có thể cứu được một đứa mà không cho cứu lại để cho cả hai đứa
chết? Vì vậy, họ đưa đơn ra tòa xin phép được mổ để cứu một đứa và tòa đã chấp
nhận. Sau ca giải phẫu các bác sĩ đã cứu được Judia. Trong trường hợp này các
bác sĩ đã theo một tiêu chuẩn đạo đức khác, theo họ thì tuy Mary chết nhưng cứu
được Judia. Còn bố mẹ hai bé lại theo một quan điểm đạo đức khác, họ nói rằng
Thượng Đế an bài như thế nào thì mình phải chịu như thế ấy. Nếu hai đứa chết
cũng là do ý muốn của Thượng Đế, mình phải để y nguyên như vậy. Mình không có
quyền giết một đứa để có một đứa. Điều này tranh cãi phát xuất từ quan niệm đạo
đức khác nhau.
Chuyện về em bé
Theresa cũng vậy. Em bé Theresa sinh ở Florida năm 1998. Khi siêu âm các bác sĩ
thấy rằng Theresa không có óc. Khi một đứa trẻ như vậy thì chắc chắn nó sẽ chết.
Nếu không chết trong bụng mẹ thì đến khi sinh ra nó sẽ chết. Nếu không chết
ngay sau khi vừa chào đời thì chỉ sau vài ngày là chết. Vì vậy, bố mẹ bé quyết
định hiến tặng những bộ phận cơ thể của bé cho những đứa trẻ khác như lá phổi,
con mắt, trái tim, lá gan... Hàng ngàn đứa trẻ khác đang cần những bộ phận đó.
Bố mẹ Theresa muốn như vậy, và các bác sĩ cũng muốn như vậy nhưng luật của
Florida không cho phép. Theo luật của tiểu bang này thì chỉ khi nào người ta chết
rồi thì mới được hiến tặng những bộ phận trong cơ thể. Còn khi người ta đang sống
mình không thể nào giết người ta để lấy những bộ phận cơ thể đó ra mà hiến tặng
được. Cố nhiên là các bác sĩ và hai vợ chồng phải chịu thua. Khi bé Theresa chết
rồi thì các bộ phận đó đã hỏng hết đâu còn dùng được nữa. Và như vậy là không cứu
được đứa trẻ nào cả.
Thành ra những vấn đề đạo đức phải tùy theo tư duy, phán đoán của mình để biết rằng cái nào nên làm, cái nào không nên làm. Cái nào là tốt, cái nào là xấu.
Lợi Và Hại
Tiêu chuẩn thứ hai là
lợi và hại. Cái gì nó có hại tới sức khoẻ, có hại tới niềm an vui của mình thì
cái đó không nên làm. Ngược lại, cái gì đem đến lợi ích thì cái đó nên làm. Có
phải chúng ta nghĩ như vậy không? Trong đạo Bụt, cái gì đưa tới tình huynh đệ,
đưa tới giải thoát, đưa tới giác ngộ, đưa tới tự do thì gọi là lợi. Ví dụ hoàn
cảnh giúp cho mình có được chánh niệm, chánh định, có trí tuệ thì được gọi là lợi.
Còn sống trong hoàn cảnh khiến cho mình bị thất niệm, làm cho mình chất chứa những
tà kiến, đưa tới vướng mắc, đưa tới buồn rầu, thất vọng thì gọi là hại. Tóm lại,
tất cả những gì làm chướng ngại cho sự tu tập thì đều gọi là hại. Tuy nhiên, có
những phiền não mà mình phải chịu đựng nhưng khi đã đi qua rồi thì mình bỗng lớn
lên, khó khăn ấy giúp mình phát khởi tuệ giác. Nhưng có những khổ đau một khi
đã vướng vào thì mình khó lòng mà thoát khỏi gông cùm của nó. Thành ra tiêu chuẩn
lợi và hại có thể bổ túc được cho tiêu chuẩn khổ và vui. Nếu cái khổ đó có lợi
cho mình thì tại sao mình không chấp nhận nó? Khi mình chấp nhận nó rồi thì cái
khổ không còn làm cho mình bị khổ nữa.
Ví dụ như chuyện leo
núi. Có những người không thích, họ nói: tại sao phải đày đọa thân mình như thế,
tại sao phải bỏ thời gian leo lên tận đỉnh ngọn núi, mệt phờ cả người, áo quần
rách, mình mẩy lấm lem. Sao không ở nhà mà xem ti vi cho khỏe? Đối với những
người ấy thì leo núi là không có lợi. Ở nhà có lợi hơn. Nhưng đối với những người
thích leo núi thì họ lại hạnh phúc vô cùng. Tại vì tuy mệt như vậy, nhưng họ thấy
khoẻ khoắn trong người. Đối với họ thì leo núi là có lợi.
Ban đầu thấy ăn chay
khổ quá, tại sao lại phải ăn chay? Nhưng nếu ăn chay với trí tuệ thì mình thấy
ăn chay hạnh phúc hơn ăn mặn nhiều. Khi ăn chay, ta bảo vệ được sinh mạng, bảo
vệ được trái đất. Thấy như vậy thì ăn chay không cảm thấy khổ nữa, mà ăn chay lại
là một niềm vui, một điều may mắn. Hơn nữa, khi ăn chay một thời gian mình quen
với thức ăn chay, khi ấy mình lại thấy thức ăn mặn rất là tanh hôi, gớm ghiếc
và mình không thể ăn được. Thành ra tất cả mọi tiêu chuẩn đạo đức học đều tương
đối, tiêu chuẩn lợi hại tới bổ túc cho tiêu chuẩn khổ vui.
Hôm 01.09.2008, tại
thủ đô New Delhi, tôi có nói một bài diễn thuyết để tưởng niệm thánh Gandhi.
Hôm ấy tôi có trích một câu rất hay của thánh Gandhi, Ngài đã nói: “Tổ tiên của
chúng ta đã học được bài học tri túc, không đi vào con đường hưởng thụ nhiều.”
Tri túc tức là biết đủ. Tổ tiên của chúng ta đã biết rằng hạnh phúc hay khổ đau
từ trong tâm của mình mà thôi. Không hẳn giàu mới có hạnh phúc, không hẳn nghèo
mà đã đau khổ. Giàu nghèo không quyết định hạnh phúc hay khổ đau mà chính là
cái tâm của mình quyết định điều đó. Thấy được như vậy nên tổ tiên đã khuyên
chúng ta đừng nên sống xa xỉ, đừng đắm chìm trong dục lạc. Vì vậy câu này có
nghĩa là cái “lạc” đó có thể làm hại mình trong hiện tại và làm hại mình trong
cả tương lai. Nếu mình có điều kiện để tiêu thụ, để mua sắm, cái đó chưa chắc
là hạnh phúc chân thật đâu, ngược lại, nó có thể đưa tới khổ đau. Trong khi nếu
mình sống tri túc, sống một nếp sống đơn giản nhưng có nhiều an lạc thảnh thơi
thì điều đó giúp ích cho sự nghiệp giải thoát của mình. Cái đó có lợi hơn nhiều.
Thánh Gandi cũng nói một câu khác rất hay: “Cái tâm mình giống như một con chim
bất an, có bao nhiêu cũng không đủ, muốn bao nhiêu cũng chưa thỏa mãn.” Đó là
lòng tham không đáy, đã thành công rồi mà vẫn chưa hài lòng, vẫn muốn thành công
hơn, thành công hơn rồi lại muốn thành công hơn nữa, ham muốn không bao giờ
cùng tận. Cho nên tri túc chính là lời khuyên của cổ nhân. Vì vậy, cái lợi ở
đây không hẳn là lợi dụng đâu, mà cái lợi này nó đưa tới sự thảnh thơi, đưa tới
hạnh phúc chân thật, đưa tới sự giải thoát.
Tiêu chuẩn khổ-lạc không đủ để cho mình thiết lập nền tảng đạo đức,
mình phải thêm tiêu chuẩn lợi-hại. Cái hành động đó có đem lại lợi ích cho mình
sau này hay không? Có lợi cho sự thảnh thơi, cho sự giải thoát, cho tình huynh
đệ sau này hay không? Nếu có thì hành động đó là đúng còn nếu không được như vậy
thì hành động đó là sai, là tà, là ác.
Mê Và Ngộ
Khi đang ở trong một
cơn mê thì những quyết định của mình không được sáng suốt. Khi ấy người ta nói
đúng sự thật mình cũng không nghe. Vì vậy phải tự hỏi là mình có đang ở trong một
cơn mê không? Vậy thế nào gọi là cơn mê? Khi thất niệm tức là mình đang ở trong
cơn mê. Khi không có định tức là mình đang ở trong cơn mê. Khi không có tuệ tức
là mình đang ở trong cơn mê. Còn nếu có niệm, có định, có tuệ thì khi ấy mình
đang tỉnh thức. Vì vậy, quyết định nào mình làm trong lúc tỉnh táo thì mới
đúng, còn quyết định trong lúc mê thì rất dễ sai lầm và sẽ đem lại khổ đau. Ví
dụ như ký một giấy tờ quan trọng trong cơn say rượu thì nguy lắm, tán gia bại sản
có ngày. Do đó, một hành động đúng đắn phải được quyết định trong lúc tỉnh táo.
Khi đang ở trong trạng thái mê thì cái thấy của mình về lợi và hại,
khổ và vui sai lầm vô cùng. Vì vậy ta phải lấy tư tưởng này làm một tiêu chuẩn
quan trọng: “Ngộ” tức là khi mình tỉnh táo, có chánh niệm, thấy biết một cách
rõ ràng, khách quan. Đây là một tiêu chuẩn bổ túc cho hai tiêu chuẩn khổ-vui và
lợi-hại.
Khai Và Giá
Trong đạo Bụt có chữ
khai và giá. Khai tức là mở cửa ra, giá tức là chặn đường lại. Bất cứ một luật
lệ nào, một tiêu chuẩn đạo đức nào cũng không thể tuyệt đối được. Vì vậy phải
có khai, để dành cho những trường hợp đặc biệt. Ví dụ như không nói dối là tiêu
chuẩn đạo đức. Nhưng nếu có tên sát nhân tới hỏi mình có biết kẻ nó muốn giết
đang trốn ở đâu không, nếu mình biết và thật thà chỉ chỗ người ấy đang trốn thì
người đó sẽ bị giết. Cho nên trong trường hợp này nếu nói ra sự thật như vậy
thì không đúng đạo đức. Thành ra, tuy thật thà là tiêu chuẩn đạo đức, nhưng thỉnh
thoảng cũng phải khai.
Đối với những trường
hợp đặc biệt mình cũng phải nói dối, vì tình thương, một vị Bồ tát lâu lâu có
thể nói dối một chút để cứu người. Giả sử mình là một vị cảnh sát, nếu cần phải
bắt người kia giam lại thì mình vẫn có thể làm được với điều kiện là mình làm bằng
tình thương.
Trong kinh có kể, một
lần tiền thân của Bụt Thích Ca giết một tên cướp để cứu rất nhiều người (nhưng
đây chỉ giết có một người thôi chứ không phải là giết 140.000 người). Và vị Bồ
tát ấy nói rằng: để cứu rất nhiều người nên con bắt buộc phải giết chết một người,
và con chấp nhận bị đọa địa ngục vì hành động đó. Đây là một hành động rất từ
bi, giết người để cứu nhiều người. Ví dụ như khi mình thấy một người cầm khẩu
súng liên thanh nã đạn vào một đám đông, khi ấy nếu mình là một vị cảnh sát, vì
không muốn nhiều người bị chết thì mình có thể bắn kẻ khủng bố kia. Mình có thể
bắn vào chân, vào tay hay bất cứ chỗ nào để cho người ấy bị thương và không làm
hại kẻ khác được. Đó chính là một hành động từ bi.
Đôi khi có nhiều trường
hợp phải giết người. Ví dụ như có những căn bệnh không thể chữa được, bệnh nhân
phải sống hết sức đau đớn trong những cơn đau kéo dài khổ sở khôn cùng và họ muốn
chấm dứt đau khổ, họ muốn được chết mau, chết không đau đớn. Nhưng mà mình theo
luật gọi là bất sát, nên mình nhất định không giết. Đây là vấn đề khai, có nên
mở không? Có nên để cho người đó chết hay không? Đây là vấn đề đang xảy ra ở
nhiều nước. Hiện nay trên thế giới chỉ có ba hay bốn nước cho phép điều đó
thôi. Tất cả các nước khác đều không cho phép chích thuốc để bệnh nhân chết
không đau đớn. Tại vì họ sợ rằng khi mở ra như vậy người ta sẽ lợi dụng và đi quá
đà.
Đối với vấn đề phá
thai, giáo hội Cơ Đốc, giáo hội La Mã vẫn có một lập trường rất cứng rắn về
chuyện phá thai. Tại vì phá thai tức là giết người. Có một giai đoạn, giáo hội
nghĩ rằng khi cái thai còn nhỏ chưa hẳn là một con người thì có thể phá được.
Nhưng tới một giai đoạn khác người ta bắt đầu nghĩ, tuy cái thai mới tượng hình
nhưng đã có con người trong đó rồi, cho nên phá thai tức là giết người. Hiện tại
lập trường của giáo hội là phá thai tức giết người, là không thể được. Trong
khi đó thì đi lính, đi ra trận để tham dự cuộc chiến tranh thì lại không bị cấm,
ra trận cũng là chuyện giết người. Còn chuyện kiểm soát sinh nở thì nói là chống
lại ý muốn của Chúa, của Thượng đế. Thượng đế muốn thì phải để phải để tự
nhiên. Vì vậy có một thời, và chính ngay bây giờ, cũng có rất nhiều người chống
lại chuyện kiểm soát sinh nở.
Chúng ta biết rằng
trong chuyện sinh nở bừa bãi thì nạn nhân chính là những đứa con sinh ra không
được thừa nhận. Rồi khi chúng lớn lên bị xã hội hắt hủi, ghẻ lạnh. Những người
con trai Mỹ đi công tác ở các nước Châu Á để lại rất nhiều những đứa con vô thừa
nhận ở Cao Ly, ở Nhật Bản, ở Việt Nam và các nước khác. Ngay ở trên đất Mỹ, mỗi
năm có hàng trăm ngàn đứa trẻ sinh ra không được thừa nhận. Bố nó không thừa nhận
mà mẹ nó cũng không muốn giữ lại nuôi. Có thể có từ 250.000 đến 350.000 đứa trẻ
như vậy mỗi năm. Trong khi đó thì cấm không được kiểm soát sinh nở? Thành ra tất
cả những vấn đề đó là những vấn đề có thật trong thế giới của mình. Và đạo đức
học của mình phải làm sao áp dụng được vào đời sống để làm giảm thiểu những khổ
đau chứ không chỉ là những lý thuyết suông.
Ngày xưa có chế độ đa
thê, tức là một ông có nhiều bà. Ở Tây Phương thì theo nguyên tắc hình thức
hơn, tức là một ông chỉ có một bà. Nhưng mà có thể năng lượng tình dục mạnh
quá, sự thực tập không đàng hoàng, cho nên có những người có những liên hệ vợ
chồng, những liên hệ tình dục không chính thức. Vì vậy có rất nhiều những đứa
con vô thừa nhận. Những đứa trẻ không được bố công nhận, không được mẹ nuôi dạy,
phải sống trong cô nhi viện rất nhiều. Trong chế độ đa thê, nếu người vợ không
sinh được con, hoặc không sinh được con trai thì bà vợ phải cưới cho chồng một
người vợ thứ hai, thứ ba. Tuy đứng về phương diện hình thức mang tính cách đa thê
nhưng ở đây không có những đứa trẻ vô thừa nhận. Đó là những vấn đề có thật
trong xã hội mà đạo đức học của mình phải trực tiếp giải quyết. Gọi là đạo đức
học ứng dụng. Tức là đạo đức học đem ứng dụng vào những trường hợp cụ thể như vậy.
Ví dụ việc giải quyết
vấn đề những người đồng tính luyến ái. Lâu nay, giáo hội Công giáo có một lập
trường rất cứng. Cho rằng tình dục giữa những người đồng tính là một cái gì rối
loạn. Theo cái thấy của nhà thờ thì những người đồng tính luyến ái không nên có
tình dục đó và quan niệm gần nhất của nhà thờ là những người đồng tính từ khi
sinh ra đã thế rồi, họ đâu có muốn như vậy, thành ra mình phải chấp nhận họ.
Phía nhà thờ mới đi được tới chỗ đó thôi. Còn chuyện những người đồng tính quan
hệ tình dục với nhau thì nhà thờ chưa chấp nhận. Khi những người đồng tính nói
tới một cái quyền là họ có thể cưới nhau, có thể làm hôn thú đàng hoàng thì
giáo hội nói rằng không, cái đó là không có đạo đức. Mà không có đạo đức thì
không có quyền làm. Lập trường của giáo hội Công giáo hiện bây giờ đang là như
vậy.
Ngày xưa Aristotle khởi
xướng lý thuyết “Natural Law”, Luật tự nhiên. Ông nói, bất kỳ cái gì ở trong vũ
trụ cũng đều có một công dụng hết. Ví dụ trời sinh ra cái răng để nhai thức ăn,
sinh ra cái lưỡi để nếm, sinh ra con mắt để nhìn. Sau này giáo hội đã chấp nhận
lý thuyết đó. Nói rằng đó là chính là Thượng đế đã sanh ra như vậy. Khi người
ta hỏi: Thượng đế sinh ra tình dục để làm gì? Câu trả lời rất dĩ nhiên: Sở dĩ
con người có năng lượng tình dục là để có con, để có sự nối dõi. Tại vì bất cứ
một hiện tượng nào trong vũ trụ đều phải có một mục đích hết. Đó là ý muốn của
Thượng đế. Vì vậy cho nên tình dục chỉ là để có con thôi. Còn đối với những người
đồng tính luyến ái thì họ đâu có con? Vậy nên tình dục của họ là không đúng. Do
đó tình dục của những người đồng tính luyến ái bị lên án. Đó là lý luận của nhà
thờ trong một giai đoạn nào đó của lịch sử. Và họ căn cứ trên cái gọi là Luật tự
nhiên.
Luật tự nhiên là bất
cứ một hiện tượng nào trong vũ trụ đều có một mục đích, có một công dụng rõ
ràng. Cái răng để nhai, con mắt để thấy thì tình dục để tạo ra những em bé. Mà
nếu tình dục không phải để tạo ra em bé thì đó là sử dụng sai. Nhưng có những
người lại lý luận như thế này: Con mắt là để thấy, nhưng có nhiều người dùng con
mắt trừng lên một cái để cấm đoán thì con mắt đó đâu phải để thấy, mà là để cấm.
Con mắt còn dùng để đưa tình, chứ con mắt đâu phải chỉ để thấy không thôi. Vậy
thì tình dục cũng thế. Tình dục, mục đích của nó là làm ra những đứa con nhưng
mà tình dục cũng có thể dùng để tỏ bày tình cảm của mình đối với một người mà
mình thương rất nhiều, coi người đó là người mình tin tưởng nhất trên đời.
Những người nghĩ như
vậy thì họ chấp nhận chuyện tình dục giữa những người đồng tính luyến ái. Cũng
như là con mắt tuy là để nhìn nhưng con mắt cũng có thể để háy, để nguýt, để trừng,
để ngăn cấm… Cho nên trong đạo Bụt có rất nhiều không gian tại vì đạo Bụt có chữ
khai. Trong những trường hợp đặc biệt mình có thể cho phép phá thai để kiểm
soát sinh nở. Có những trường hợp mà mình có thể giúp người kia chết một cách
an lành, có những trường hợp mình có thể nói dối. Nhưng tất cả những cái đó đều
phải làm trên căn bản của tình thương. Nếu không có tình thương, nếu không theo
tiêu chuẩn mê-ngộ, lợi-hại, khổ-vui thì mình không thể làm được.
Có những triết gia
như là Kant không chịu như vậy. Kant nói rằng có những mệnh lệnh, những nguyên
tắc tuyệt đối phải tuân theo. Ví dụ không nói dối là tuyệt đối không nói dối,
không thể lấy cớ này, cớ nọ để nói dối được. Mọi trường hợp đều phải nói thật
100%. Tại vì mình muốn làm như thế nào để tất cả những người khác đều làm như
mình hết. Đó là một thái độ rất cứng.
Quan điểm đó cho rằng, cái đúng và cái sai, cái chánh và cái tà là do Thượng đế quyết định chứ không phải do con người quyết định. Cái đó đúng vì Thượng đế bảo là đúng. Cái đó sai vì Thượng đế nói nó sai. Mình chỉ đi theo thôi. Thượng đế là tạo hoá còn mình là tạo vật. Khi tạo hoá dựng ra con người, dựng ra vạn vật thì tạo hoá bỏ cái đúng và cái sai vào trong đó. Vì vậy cho nên cái đó gọi là mệnh lệnh của Thượng đế. Và nó có tính cách tuyệt đối.
Đạo Bụt thì không cứng
ngắc như vậy. Nền đạo đức của đạo Bụt có phương tiện quyền xảo gọi là khai, đó
là sự linh động. Một mặt là khai, một mặt là giá. Giá tức là ngăn lại. Ngăn lại
một hành động nào đó, tuy là chưa gây ra đau khổ, nhưng nếu để cho đi quá đà
thì sẽ gây ra tai hại. Ví dụ như có rất nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra do
tài xế đã uống quá nhiều rượu trước khi lái xe. Khi uống rượu mà lái xe thì rất
nguy hiểm cho tính mạng của mình và những người khác. Cho nên Bộ giao thông mới
cấm người điều khiển xe có lượng cồn trong máu quá mức cho phép.
Vì vậy cho nên khi uống
ly rượu đầu tuy không tai hại, nhưng ly đầu có thể dẫn tới ly thứ hai, rồi ly
thứ ba và lúc ấy thì tai nạn sẽ xảy ra. Sự thật là nếu không có ly thứ nhất thì
làm gì có ly thứ hai, ly thứ ba? Vì vậy cho nên đừng có uống ly thứ nhất.
Tuy mình làm điều đó
không nguy hiểm gì nhưng điều đó sẽ kéo mình đi xa hơn và một khi đã đi xa rồi
thì tai nạn sẽ xảy tới. Có một bà người Anh, sau khi được nghe trình bày về năm
giới, bà nói xin thọ bốn giới thôi, còn giới thứ năm là không uống rượu thì bà
không thể thọ được vì mấy chục năm nay ngày cuối tuần nào cũng uống một ly rượu
mà không làm sao hết. Tại sao phải thọ giới thứ năm giới để bỏ đi thú vui uống
một ly rượu cuối tuần của mình? Khi ấy tôi nói với bà ta rằng: “Tôi công nhận
là trong ba mươi năm nay mỗi cuối tuần bà đều uống một ly rượu và không có chuyện
gì xảy ra cho bà hết.
Đứng về phương diện sức
khoẻ cũng như đứng về những phương diện khác. Nhưng mà bà nên biết rằng, những
đứa con của bà khi thấy bà uống thì nó cũng uống, và có thể chúng có hạt giống
của sự say sưa. Bà có thể uống mỗi tuần một ly nhưng các con bà khó có thể được
như bà, chúng có thể uống nhiều hơn và đi vào con đường nghiện ngập. Vì vậy bà
ngưng ly rượu đó không phải vì bà mà là vì các con của bà. Tại thường thường,
cha mẹ làm gì thì con cái sẽ bắt chước làm theo. Cha mẹ hút thuốc thì con hút
thuốc.” Tôi nói với bà ta như vậy và thật may mắn là bà ta đã ngộ ra, hôm sau
bà quyết định thọ cả Năm giới. Cái đó gọi là giá, tức là nó có tác dụng ngăn ngừa
những hậu quả có thể xảy ra trong tương lai. Khai và Giá là một tiêu chuẩn
trong đạo Bụt.
Theo giới luật hiện
thời của Làng Mai thì mỗi khi một thầy, hay một sư cô cần phải lên internet thì
luôn phải có một thầy hay một sư cô khác ngồi một bên để làm đệ nhị thân. Có thể
là thầy đó, sư cô đó lên internet một mình nhiều lần cũng không sao hết. Nhưng
mà có một người đi theo bảo hộ để ngăn ngừa cái chuyện có thể xảy ra, cái đó gọi
là giá. Tại vì trong mạng lưới internet có thể có những vùng nguy hiểm. Không
biết là các bậc làm cha, làm mẹ có thể áp dụng chuyện này với con cái mình được
không? Tại vì bây giờ trẻ con mới 7 tuổi, 10 tuổi đã bắt đầu lên mạng internet
một mình rồi. Và chúng có thể đi lạc vào những vùng rất là nguy hiểm. Có nên cấm
nó hay không? Cấm nó chắc cũng không được. Nhưng giới luật đưa ra là mỗi lần
con lên mạng internet thì phải có mẹ hoặc bố ngồi cùng. Không biết cái đó quý vị
có thể làm được không? Cũng như khi uống rượu say có thể quý vị lái xe mà không
gặp phải một tai nạn nào hết. Nhưng đó là may mắn thôi. Vì vậy cho nên không uống
rượu vẫn hay hơn.
Trì Và Phạm
Trì và Phạm là nói về
giới. Khi giữ giới thì gọi là trì giới, khi không giữ giới thì gọi là phạm giới.
Trì là giữ cho nó còn nguyên vẹn. Còn phạm tức là để nó vỡ nát. Giới thân nói
là không được làm cái đó mà mình cứ làm là phạm giới, còn khi mình tuân theo giới,
mình không làm thì gọi là trì giới. Những người trì giới là những người rất hạnh
phúc, rất thanh tịnh. Khi mình không uống rượu, không sử dụng ma túy tức là mình
trì giới, nhờ vậy mà thân tâm mình khỏe mạnh, an vui. Còn nếu mình cứ sử dụng,
mình phạm giới thì mình bị nô lệ cho sự nghiện ngập. Sự nô lệ ấy làm mình mất tự
do và làm khổ cả những người xung quanh.
Trong trường hợp nói
dối. Nếu một tên sát nhân đi kiếm người ta để thủ tiêu, hắn tới và hỏi mình có
thấy người đó không. Mình biết nhưng mà mình phải nói dối. Trong trường hợp này
mình nói dối tức là mình trì. Nếu mình không nói dối tức là mình phạm. Nếu mình
không nói dối thì mình gián tiếp giết người rồi. Vì vậy cho nên có những trường
hợp vì tình thương mình bắt buộc phải nói dối. Ví dụ khác, khi thấy một người
đang đau khổ, đang gặp hiểm nghèo mà mình không ra tay cứu giúp, thì tuy rằng
mình không giết người đó nhưng mà mình đã phạm giới. Khi thấy một người đang
đàn áp, đang giết người khác mà mình ngồi yên, bình chân như vại, không tới can
ngăn thì mình cũng phạm giới như thường.
Cho nên, có khi trên
hình thức là phạm nhưng kỳ thực là mình đang trì, có khi trên hình thức là trì
nhưng mà mình đã phạm giới. Đạo đức học trong đạo Bụt rất là linh động, nó phải
có tính cách khế cơ tức là phải phù hợp với từng hoàn cảnh. Mình có đạo đức học
tiêu chuẩn nhưng mà phải đi tới đạo đức học ứng dụng. Tất cả những cái đó đều phải
dựa trên tuệ giác gọi là cái tuệ giác tương tức, tuệ giác bất nhị. Bất nhị tức
là không có hai. Khi chúng ta nói chánh và tà, khổ và vui, lợi và hại, thì theo
cách nhìn của đạo Phật, hai cái đó nương nhau mà thành. Cái này làm nên cái
kia, cái kia làm nên cái này. Vì vậy đạo Bụt có một quan niệm rất mềm dẻo.
Khi nói Bụt và chúng
sinh thì mình có một cặp đối lập nhau giống như là lợi và hại, hay là mê và ngộ.
Như bùn và sen, bùn và sen vốn ôm lấy nhau, chúng nương vào nhau mà có, không
có bùn thì không có sen, không có sen thì không có bùn. Bụt và chúng sinh cũng
như vậy. Bụt ôm lấy chúng sinh và chúng sinh ôm lấy Bụt. Tìm Bụt ở trong chúng
sinh và tìm chúng sinh ở trong Bụt. Bụt và chúng sanh không thể tách rời. Cho
nên ở trong đạo Bụt có giáo lý gọi là “Phật sinh bất nhị”. Bụt tức là người tỉnh
thức, sinh tức là chúng sinh. Bụt và chúng sinh không thể tách rời ra được gọi
là bất nhị. Nếu mà không nắm được điều này thì không thể nắm được nền đạo đức học
Phật giáo. Nếu mình muốn đi tìm Bụt thì phải tìm ngay ở chúng sinh, vì ngoài
chúng sinh ra không thể nào có Bụt. Khi đã thành Bụt rồi không phải mình hết
làm chúng sinh. Cho nên tôi có nói rằng Bụt cũng có thân Bụt. Bụt không có thân
thì làm sao gọi là Bụt được? Do đó Bụt và chúng sinh không phải là hai cái đối
lập. Cũng như hoa sen và bùn không phải là hai cái gì đối lập. Vì vậy cho nên
cái thấy lưỡng nguyên là cái ngăn cách không cho mình thấy được nền tảng của đạo
đức Phật giáo.
Khi tụng Tâm Kinh, ta
có chữ không. Trong ánh sáng của Tâm
Kinh, trong ánh sáng của cái không, thì những cặp đối lập như là sanh-diệt,
thêm-bớt, có-không, còn-mất đều là những cái tương đối hết.
“Nghe đây Xá Lợi Tử,
sắc chẳng khác gì không, không chẳng khác gì sắc”. Thấy rõ ràng là tính tương tức
của vạn vật. Sắc ôm lấy không, không ôm lấy sắc. Ngoài sắc không có không,
ngoài không không có sắc. Thọ, tưởng, hành, thức cũng đều như vậy. Ngoài không,
không có thọ, ngoài thọ không có không. Thọ ôm lấy không, không ôm lấy thọ.
“Nghe
đây Xá Lợi Tử, sắc chẳng khác gì không, không chẳng khác gì sắc. Xá Lợi Tử nghe
đây, thể mọi pháp đều không, không sinh cũng không diệt, không nhơ cũng không sạch,
không thêm cũng không bớt.”
Không là cái thấy vượt
thoát tất cả mọi cặp đối lập. Vì vậy cho nên trong ánh sáng của cái không, nó
vượt thoát chánh tà, vượt thoát khổ vui, vượt thoát lợi hại, vượt thoát mê ngộ,
cái này ôm lấy cái kia, cái kia ôm lấy cái này. Mà khi thấy được như vậy rồi
thì mình mới có khả năng thiết lập một nền đạo đức. Lĩnh vực này ở ngoài đời gọi
là “Siêu đạo đức học”, gọi là Meta-ethics. Và siêu đạo đức học sẽ trở thành rất
quan trọng trong thời đại hiện nay. Người ta đã nói về Applied ethics tức là đạo
đức học ứng dụng.
Tiêu Chuẩn Tuyệt Đối
Trên đây (lợi-hại, khổ-lạc,
trì-phạm…) là những tiêu chuẩn căn bản có thể làm nền tảng cho nền đạo đức Phật
giáo. Nằm ở dưới hết có một tiêu chuẩn, tiêu chuẩn ngược với tất cả các tiêu
chuẩn kia gọi là “Nhất nguyên siêu tuyệt” tức là xuất thế gian. Tất cả những
tiêu chuẩn kể trên đều nằm trong phương diện tương đối. Nhưng khi vượt thoát thế
gian, tới với xuất thế gian, chạm tới bản chất của niết bàn, của pháp thân thì
tất cả những tiêu chuẩn đó không còn áp dụng được nữa.
Trong thực tại nhiệm mầu thì không có thiện không có ác, không
có đúng không có sai, không có bên này không có bên kia, không có trên không có
dưới, không có trật tự nào hết. Cái đó chính là xuất thế gian, là Niết bàn, là
pháp thân. Pháp thân không thể nói là thanh tịnh hay ô nhiễm được. Niết bàn
cũng vậy, không thể nói niết bàn là thanh tịnh hay cấu uế. Không có chánh cũng
không có tà. Tất cả những ý niệm về chánh tà, về chân ngụy… đều thuộc về thế
gian. Khi đã lên tới xuất thế gian rồi thì không còn có những ý niệm về chánh,
tà, đúng, sai nữa. Vì vậy Niết bàn vượt thoát mọi khái niệm đúng-sai, đẹp-xấu,
phải-trái. Cái đó là tiêu chuẩn tuyệt đối.
Bên Cơ Đốc giáo người
ta thường liệt Thượng đế vào phe chánh, phe đúng. Khi nói tới Thượng đế tức là
nói tới tình yêu, nói tới Chân-Thiện-Mỹ. Nếu như vậy thì có nghĩa là Thượng đế
này vẫn có cái đối lập. Quỷ Sa Tăng đối lập với Thượng đế, và Thượng đế này vẫn
còn nằm trong giới hạn của đúng sai, của chân nguỵ.
Tuy nhiên, có những
nhà thần học đã vượt lên được khỏi giới hạn của thế gian, những nhà thần học ấy
đã thấy được Thượng Đế bằng con mắt xuất thế gian, tức là Thượng Đế ở đây không
còn được diễn tả như sự thuần thiện nữa. Cái thấy của họ vượt thoát quan niệm về
khổ lạc, lợi hại, tốt xấu… Họ đã đạt tới cái thấy tương tức, tức là cái thấy tương
đương với đạo Phật, cái được gọi là niết bàn, là pháp thân, là chân như.
Khủng Bố Là Vấn Đề Hiện Thực Của Thế Giới Bây Giờ
Bạo động, chiến tranh,
hận thù và khủng bố là vấn đề hiện thực của thế giới bây giờ, đó chính là khổ đế.
Chúng ta phải thấy được rằng nguyên nhân của bạo động, của chiến tranh xuất
phát từ sợ hãi, hận thù, tham vọng, kỳ thị gây ra. Nhìn cho kỹ thì thấy gốc rễ
sâu xa của chúng là do tà kiến đưa tới, do cái thấy chấp ngã đưa tới. Chấp ngã tức
là giữ chặt quan niệm của mình, cho rằng chỉ có cái thấy của mình là đúng còn
người khác là sai. Hiện thực này do cái nhìn nhị nguyên đưa tới, tức là thấy
mình và người kia không dính dấp gì tới nhau hết.
Trong giới thứ nhất của
Mười Bốn Giới Tiếp Hiện có nói: “Ý thức được những khổ đau do thái độ cuồng tín
và thiếu bao dung gây ra, con xin nguyện thực tập để đừng bị vướng mắc vào bất
cứ một chủ nghĩa nào, một lý thuyết nào, một ý thức hệ nào, kể cả những chủ
thuyết Phật giáo. Những giáo nghĩa Bụt dạy phải được nhận thức như những pháp
môn hướng dẫn thực tập để phát khởi tuệ giác và từ bi mà không phải là những
chân lý để thờ phụng và bảo vệ, nhất là bảo vệ bằng những phương tiện bạo động.”
Điều này rất quan trọng
bởi vì khủng bố xảy ra do người ta cứ khư khư bám vào một cái thấy, một giáo điều,
một ý thức hệ và tin đó là sự thật, còn những cái khác là tà hết. Vì vậy họ đã
giết hại chỉ vì muốn áp đặt cái thấy của họ lên người khác. Sự cố chấp vào những
hiểu biết, kiến thức của mình là một tà kiến, tà kiến này đưa tới sự kỳ thị, sợ
hãi, hận thù, tham vọng mà chính bốn yếu tố này sẽ đưa tới sự giết hại. Giới bản
đưa ra phải bộc lộ được rõ ràng những phương pháp để đối trị với tình trạng hiện
thời của thế giới.
Xem Tiếp Chương 10 – Quay Về Mục Lục
0 Đánh giá