Read more
Thích Nhất Hạnh Podcourse by Vô Ngã
Sách Thiền Sư Thích Nhất Hạnh
Đọc và download hàng trăm quyển sách của Thầy tại đây.
Con Đã Có Đường Đi
Con Đường Của Phật
Những đóng góp của đạo Phật cho một nền đạo đức toàn cầu
Chương 17. Siêu Đạo Đức Học
Đạo đức học cần có nền
tảng. Có nhiều nhà triết học cho rằng cần có nền tảng siêu hình để xây dựng nền
tảng cho một nền đạo đức học, vì vậy mới có môn học tên là “Siêu đạo đức học”.
Trong môn Siêu đạo đức học, chúng ta đặt những câu hỏi như: Thế nào là thiện?
Thế nào là ác? Thế nào là chính? Thế nào là tà? Thế nào là đúng? Thế nào là
sai?
Ở trong truyền thống
Khổng giáo, Mạnh Tử là nhà triết học chủ trương bản tính con người là thiện.
Theo ông thì khi mới sinh ra bản chất của con người là tốt: “Nhân chi sơ tính bản
thiện.” Ngày xưa trẻ con đi học là phải học sách “Tam tự kinh” trước nhất. Đứa
trẻ nào cũng ê a đọc: “Nhân chi sơ, tính bản thiện. Tính tương cận, tập tương
viễn. Cẩu bất giáo, tính nãi thiên. Giáo chi đạo, quý dĩ chuyên” học thuộc lòng
như vậy.
Như vậy là Mạnh Tử đã
xác nhận, cái thiện là cái có thật và sẵn có trong mỗi con người. Hỏi ông rằng
thiện ở chỗ nào thì ông nói khi quan sát con người ta thấy có bốn điểm:
Thứ nhất: Lòng
trắc ẩn. Lòng trắc ẩn cũng giống như tình thương. Ví
dụ mình đang bận rộn ở trong nhà, chợt thấy ở bên ngoài có một em bé hai tuổi
rưỡi đang đi chập chững mon men leo lên miệng giếng, sắp rớt xuống giếng, sắp
chết. Mình vội vội vàng vàng chạy ra nhưng căn phòng của mình đang khóa, vì vậy
mình không thể chạy nhanh ra bế đứa bé được, khi ấy lòng mình xôn xao, khó chịu.
Đứa trẻ đó không phải là con cháu của mình, nhưng thấy đứa trẻ rơi xuống giếng
thì mình có lòng trắc ẩn, xót thương, mình không chịu nổi, mình phải lập tức ra
cứu lấy đứa bé, cái đó là cái tự nhiên. Cứu đứa bé không phải để làm vừa lòng
ba mẹ nó, cũng không vì tìm kiếm danh lợi, mình không cần cái gì hết. Chỉ là tự
nhiên trong mình dâng lên sự xót xa thôi. Đó là lòng trắc ẩn. Điều này không cần
phải giáo dục mới có, nó là hạt giống thiện ở trong con người.
Thứ hai: Lòng
tu ố. Tu tức là biết hổ thẹn, còn ố là khinh ghét, biết khinh
ghét những cái xấu xa, tàn ác. Tu ố là biết tự xấu hổ và biết khinh ghét những
cái xấu. Đây cũng là cái có sẵn trong con người từ lúc mới sinh ra. Trong đạo Bụt
có hai tâm hành là tàm và quý, là cái khả năng tự hổ thẹn. Chừng nào ta còn biết
hổ thẹn, chừng đó ta còn là người tốt. Biết xấu hổ khi mình làm điều sai trái,
cái đó cũng tự nhiên mà có chứ không cần phải học.
Thứ ba: Lòng từ
nhượng. Từ nhượng tức là khả năng nhường nhịn, buông bỏ.
Thứ tư: Lòng
thị phi. Thị là đúng, phi là sai, tức là con người
có khả năng phân biệt được cái nào là đúng, cái nào là sai. Điều này ở nơi con
vật không có, hoặc có dưới dạng tiềm tàng chưa thể hiện rõ ràng như con người.
Mạnh Tử nói rằng giữa
con người với loài thú gần giống nhau, khoa học bây giờ cũng nói như vậy. Ngày
nay, khoa học nói, đứng về phương diện gien thì rất giống nhau, chỉ có khác một
chút xíu thôi, đó là bản tính thiện nơi con người. Chính nhờ cái thiện đó nên mới
thành lập được một nền đạo đức.
Ở Tây phương có một
nhà triết học người Pháp, ông có nhận định rất bi quan. Theo ông khi nhìn bên
ngoài thì thấy có những đức tính tốt, nhưng nhìn cho kỹ thì đều thấy cái ngã ở
trong ấy, ai cũng chỉ biết vì bản thân mình thôi.
Lại có một nhà triết
học khác tên là Tuân Tử cũng ở Trung Quốc lại chủ trương rằng: “Nhân chi sơ
tính bản ác.” Theo ông thì con người sinh ra bản tính vốn là ác. Và ông chứng
minh điều đó như sau: “Khi nhìn vào một đứa bé thì thấy nó tham lam, giận giữ,
ích kỷ, ganh ghét…” Tóm lại là tất cả những tính nết xấu của con người đều lộ
ra hết, vì vậy mà bản tính con người là xấu, nhờ giáo dục, rèn luyện nên nó đỡ
xấu đi thôi, chứ bản chất con người là hoàn toàn xấu.
Hai quan niệm này chống
đối nhau kịch liệt. Một bên thì nói rằng bản tính con người là thiện, một bên
nói rằng bản tính con người là ác.
Lại có thêm một nhà
triết học khác nữa tên là Lão Tử, ông này chủ trương rằng bản tính con người
không phải thiện, cũng không phải ác. Mình hướng nó đi về nẻo thiện thì nó theo
nẻo thiện, hướng nó về nẻo ác thì nó theo nẻo ác. Giống như là dòng nước vậy,
khơi về phương Đông thì nó chảy về phương Đông, khơi về phương phương Tây thì
nó chảy về phương Tây. Tính con người không phải thiện, không phải ác, nói tóm
lại, nó vô ký. Có một nhà Phật học Trung Quốc hiện đại viết một tác phẩm về Duy
Thức Học, bắt chước kiểu Tam tự kinh, tức là mỗi câu kinh có ba chữ. Nhà Phật học
này cũng bắt đầu với: “Nhân chi sơ” và ông nói: “Nhân chi sơ. Tính vô ký. Phi
thiện ác. Danh tàng thức. Nhất thiết chủng. Gia nhiếp tàng. Vạn pháp bổn. Thiện
ác tường.” Có nghĩa là khi người ta sinh ra thì tính là vô ký, không phải thiện
cũng không phải ác, cái tâm đó gọi là tàng thức. Tất cả các hạt giống đều có
trong đó, đó là gốc của tất cả các pháp. Thiện và ác được biểu lộ rõ ràng từ
đó. Vô ký tức là không phải thiện, cũng không phải ác. “Phi thiện ác danh tàng
thức”: Tàng thức của mình không phải thiện, cũng không phải ác. Nhưng Mạnh Tử lại
phản đối, ông cho rằng nói như vậy là không đúng. Quả thật là dòng nước mình
đào về hướng Đông thì nó chảy về hướng Đông, đào về hướng Nam thì nó chảy về hướng
Nam, nhưng mình quên mất là nước luôn tìm chỗ trũng mà chảy. Nó không phân biệt
hướng Đông, hay hướng Tây, nhưng nó biết phân biệt cao và thấp.
Lão Tử và Trang Tử lại
chủ trương siêu việt thiện ác, điều này tương đương với Niết Bàn và Chân Như
trong đạo Bụt, cũng giống như là Bát Nhã, không cấu, không tịnh, không tăng,
không giảm, không thiện, không ác. Đó là điểm tương đồng giữa Nho học Trung Quốc
và Đạo Bụt.
Trong khi đó Duy Biểu
Học của đạo Bụt có nói về tàng thức (A lại gia). Tàng có nghĩa là cất giữ. Tàng
thức được làm bằng các hạt giống gọi là chủng tử, con người có những hạt giống
thiện và những hạt giống ác, vậy nên A lại gia cũng có tên là nhất thiết chủng
thức, tức là tâm thức chứa đựng tất cả các hạt giống. A lai gia không phải thiện,
không phải ác, mà gồm có cả thiện lẫn ác, nó siêu việt thiện ác, nhưng thiện ác
ở đây nương nhau mà ra. Do đó chúng ta có thể bắt đầu đạo đức học Phật giáo bằng
Duy Biểu học.
Khi nói tới tàng thức và đại viên cảnh trí thì cái đó thuộc về phạm vi của siêu đạo đức học. Còn khi nói tới chủng tử thì cái đó thuộc về tiêu chuẩn đạo đức học. Cái thiện và cái ác cũng như cái trái và cái phải, nó nương nhau mà có, hễ có thiện thì có ác, có ác thì có thiện. Cũng như cao và thấp, có cao là có thấp, có thấp là có cao. Cái chánh và cái tà cũng vậy, hễ có chánh là có tà và có tà là có chánh, chúng nương vào nhau mà thành lập. Vì vậy phải thấy được sự liên hệ giữa chánh và tà, giữa thiện và ác.
Thiền Sư Thích Nhất Hạnh
Duy Biểu học không chỉ
nói về hạt giống thiện và ác mà còn nói về những tâm sở thiện, tâm sở bất thiện
và tâm sở bất định. Những hạt giống này khi chúng biểu hiện có thể làm cho
chúng ta hạnh phúc hay khổ đau. Hạt giống có cả thảy sáu tính chất:
– Sát na diệt: Hạt giống thiện hay hạt giống
ác trong chúng ta là những năng lượng, những thực tại biến chuyển không ngừng
tùy theo cách sống và tu tập của chúng ta.
– Quả câu hữu: Tức là khi nó phát hiện thành
hiện hành thì nó với hiện hành có mặt với nhau một lần. Ví dụ như khi hạt bắp
trở thành cây bắp con thì hạt bắp và cây bắp cùng có mặt đồng thời, cùng một
không gian, cùng một thời gian chứ không phải hạt bắp một nơi mà cây bắp một nẻo.
– Tính quyết định: Nếu bản chất của nó là một
hạt giống tốt thì tính chất ấy sẽ đưa tới những quả tốt và nó tiếp tục là một hạt
giống tốt. Dầu cho hạt bắp có sinh ra cây bắp, rồi trở thành trái bắp thì nó vẫn
là bắp chứ không thể thành trái cam hay hạt đậu được. Nếu nó là hạt giống từ bi
thì nó vẫn tiếp tục là hạt giống từ bi, không thể nào trở thành ra hạt giống giận
hờn hay ganh tị được. Đó chính là tính quyết định.
– Hằng tùy chuyển: Hạt giống là một dòng hiện
tượng, tùy theo những điều kiện khác mà nó đi tới. Nó nương vào căn (mắt, tai,
mũi, lưỡi, thân và hệ thần kinh), nương vào trần (trần là đối tượng tiếp xúc của
căn, ví dụ như hình ảnh, màu sắc là đối tượng của mắt, mùi là đối tượng của
mũi…) và cuối cùng nó nương vào thức, thức có nghĩa là nhận thức. Những hạt giống
trong tàng thức luôn luôn đi theo những cái đó và chuyển biến.
– Đãi chúng duyên: Đãi tức là đợi, đợi những
điều kiện thuận lợi để phát triển. Ví dụ như hạt giống tình thương, hạt giống hạnh
phúc, giác ngộ nơi bạn có sẵn ở đó rồi, nhưng nó đợi bạn thực tập để cho nó lớn
lên. Bụt đang chờ mình, mình phải làm thế nào để Bụt có thể sớm biểu hiện được.
Người nào cũng có Bụt ở trong lòng, nhưng Bụt biểu hiện sớm hay muộn đều do
duyên mà ra, duyên ở đây chính là sự tinh tấn của mình chứ không phải chờ đợi
cơ may từ trên trời rơi xuống.
– Dẫn tự quả: Tự dẫn tức là tự đem tới, quả
tức là kết quả. Dẫn tự quả nghĩa là quả của chính nó. Ví dụ hạt bắp thì mọc lên
cây bắp chứ không lên cây đậu, hạt đậu thì lên cây đậu chứ không lên cây bắp.
Mình là dòng giống của từ bi thì mình sinh ra con cháu từ bi, mình mà là dòng
giống bạo động thì mình sinh ra con cháu bạo động.
Đó là ý nghĩa của chủng
tử và hạt giống.
Vì vậy, trong Duy Biểu
học, cái thiện và cái ác được nhận thức qua hạt giống, nhưng nếu như hạt giống
không có đủ điều kiện thì nó cứ nằm hoài dưới tàng thức và ngày một yếu đi. Ví
dụ như mình có hạt giống giận hờn, bạo động, nhưng nếu mình sống trong một môi
trường quá thiện lành, mọi người xung quanh ai cũng đối xử với nhau lịch thiệp,
nhã nhặn, đầy tình thân ái thì những hạt giống giận hờn, bạo động kia không có
điều kiện phát triển. Ngược lai, nếu mình sống trong một môi trường dữ dằn, đầy
tranh chấp, thủ đoạn, mưu mô với nhau thì hạt giống dữ dằn, thủ đoạn, mưu mô
trong mình bị tưới tẩm rồi một thời gian sau mình cũng sẽ trở thành một người với
nhiều tính bất thiện ấy và lúc đó mình sẽ đau khổ nhiều lắm. Tục ngữ có câu: “Gần
mực thì đen, gần đèn thì sáng” là vậy. Do đó, vấn đề tưới tẩm hạt giống tốt thuộc
về phạm vi thực tập. Duy biểu học thuộc về pháp tướng, pháp tướng cũng nương
vào pháp tánh, đứng về phương diện bản tánh thì không có thiện, không có ác,
không có chánh, có tà. Nhưng đứng về phương diện hiện tượng, sự sống thì nó có
thiện – ác, chánh – tà, nhưng cả hai nương vào nhau để thành.
Xem Tiếp Chương 18 – Quay Về Mục Lục
0 Đánh giá