Read more
Thích Nhất Hạnh Podcourse by Vô Ngã
Sách Thiền Sư Thích Nhất Hạnh
Đọc và download hàng trăm quyển sách của Thầy tại đây.
Con Đã Có Đường Đi
Con Đường Của Phật
Những đóng góp của đạo Phật cho một nền đạo đức toàn cầu
Chương 14. Hạnh Phúc Không Đâu Xa
Tại Làng Mai, chúng
tôi thực tập để có được cái hỷ và cái lạc ngay trong đời sống hàng ngày. Chúng
ta rất cần được nuôi dưỡng bởi niềm vui và hạnh phúc của người tu, dù là tu tại
gia hay tu xuất gia. Chúng ta đi tìm hạnh phúc, người tu là người đi tìm hạnh
phúc, nhưng không phải là về phía đối tượng của dục, tức là giàu sang, quyền
hành, thế lực, danh vọng, sắc dục… mà chúng ta tìm hạnh phúc về hướng hỷ và lạc
do hiểu biết và thương yêu đem tới.
Một người tu thành
công là một người có đủ chất liệu hỷ lạc, và có thể hiến tặng niềm hỷ lạc ấy
cho người khác trong đời sống hàng ngày. Nhưng trong ánh sáng của đạo đức học
Phật giáo thì hỷ và lạc có liên hệ tới khổ đau. Nhìn vào trong chất hỷ và chất
lạc mình cũng có thể thấy chất liệu của khổ đau. Nếu chưa bao giờ biết đói thì
chẳng thể nào thấy được sự quý giá của giờ phút mà mình có một bát cơm ở trên
tay. Khi đã biết cảm giác đói rồi thì lúc nâng một bát cơm trên tay ta mới thấy
có một bát cơm là một niềm hạnh phúc, lúc đó mình mới quý trọng và ăn một cách
hết lòng. Cũng như khi bơ vơ đói lạnh, không cửa không nhà, ta mới biết thế nào
là hạnh phúc khi có một căn nhà, mới thấy nâng niu khi được một chiếc áo ấm.
Đầu năm 2009 tại miền
Tây Nam nước Pháp xảy ra một cơn bão lớn. Người dân nước Pháp nói rằng đây là một
cơn bão lớn tương đương với một trận bão cách đây hơn mười năm. Thiệt hại rất nặng
nề. Hệ thống điện, hệ thống giao thông, viễn thông, nước… bị hư hại nặng. Gần
1,5 triệu người không có điện và nước để sử dụng trong nhiều ngày giữa mùa đông
giá lạnh. Có rất nhiều người lâm bệnh vì khí hậu mùa đông ở Pháp rất lạnh, nhiệt
độ luôn dưới 0 độ C, nếu không có sưởi thì nhiều người không thể chịu nổi. Lúc ấy
người ta mới thấy rõ ràng có điện, có nước là một niềm hạnh phúc. Cho nên phải
gặp khốn đốn thì chúng ta mới có giác ngộ là vậy. Trước đây chúng ta thấy có điện,
có nước là điều đương nhiên, chúng ta nghĩ rằng điện, nước là thứ tầm thường chẳng
đáng đem lại chất liệu hỷ lạc cho mình, nhưng sự thật thì trong mấy ngày có bão
đó, các Thầy, các Sư cô, các thiền sinh ở Làng Mai đã chứng thực được rằng điện,
nước là những điều kiện tạo nên hạnh phúc.
Cái ngày hệ thống điện
và nước được thiết lập lại, mọi người ai cũng reo hò, sung sướng, hạnh phúc vì
có điện, có nước. Nhưng chỉ vài ngày sau đó, chừng khoảng một tuần thì niềm vui
đó biến mất, vì lúc đó mình đã quen rồi, mình lại thấy điện nước là cái gì đó
không quan trọng mấy. Vì vậy, hạnh phúc hay không hạnh phúc liên hệ tới cái tâm
của mình, liên hệ tới sự giác ngộ của mình, tới ý thức chánh niệm của mình. Cho nên người tu là người biết sử dụng
cái tâm, sử dụng ý thức chánh niệm của mình để đón nhận hạnh phúc. Do đó, nếu
muốn có hạnh phúc thì hạnh phúc sẽ có mặt ngay lập tức bây giờ. Hay vậy đó.
Có những điều kiện hạnh
phúc đang có sẵn. Và mình chỉ cần nhớ tới thôi là có hạnh phúc liền lập tức,
mau hơn cả mì ăn liền. Là một người tu, ta phải biết chế tác hỷ lạc bằng cái
tâm của mình. Khi được nuôi dưỡng bằng hỷ và lạc thì ta sẽ nuôi dưỡng được những
người khác xung quanh ta. Và điều ta cần nhớ là trong cái hỷ, cái lạc đó có bối
cảnh của sự khổ đau. Vì vậy nếu không có khổ đau, không có thiếu thốn, thì ta
không nhận diện ra được hạnh phúc mà hiện bây giờ mình đang có. Nếu ta từng có
khổ đau thì điều đó không phải là xấu, tại vì nhờ nền tảng khổ đau trong quá khứ
cho nên bây giờ ta mới nhận diện được những hạnh phúc đang có. Khi sống trong
niệm và định, mình có thể có những giây phút của hỷ và lạc. Mỗi khi khổ đau tới,
thì mình có khả năng nhận diện, ôm ấp và trị liệu.
Trong những ngày có
bão, tại Làng Mai, quý thầy, quý sư cô và các vị thiền sinh đều có cơ hội trực
tiếp đi qua kinh nghiệm của một cơn bão. Nhiều người bị cúm, bị ho, bị lạnh vì
không có lò sưởi, có bao nhiêu áo đều đem ra mặc hết để cho đỡ lạnh. Chúng ta cất
giữ được bao nhiêu củi, bao nhiêu đèn cầy cũng đem ra đốt hết để cho có chút
hơi ấm. Trong giai đoạn ấy, có người khổ nhiều, có người khổ ít, tất cả đều tùy
vào cách nhìn nhận và hành xử của chúng ta trước hoàn cảnh. Có nhiều người vẫn
cười nói được trong hoàn cảnh khó khăn như vậy.
Nếu chúng ta biết rằng,
trong thời gian đó, có rất nhiều người thợ đang đêm ngày trong điều kiện khó
khăn tìm đủ cách sửa chữa hệ thống điện nhằm phục vụ cho nhu cầu của mọi người
thì ta sẽ bớt khổ, bớt trách móc. Ai cũng đang nỗ lực tối đa để cải thiện hoàn
cảnh thì làm sao chúng ta có thể trách móc được? Qua trận thiên tai, chắc chắn
rằng mỗi người đều tự rút ra được cho mình kinh nghiệm: cần biết dự trữ một
chút ít gì đó làm phương tiện giúp chính mình vượt qua những giai đoạn khó khăn
trong cuộc đời. Bởi có ai dám khẳng định rằng, cuộc đời mình sẽ không có những
giai đoạn khó khăn?
Nếu khôn khéo biết dự
trữ, biết chắt chiu, mình sẽ đỡ khó khăn hơn nhiều trong những giai đoạn của cuộc
đời có bão. Còn bão đến mà trắng tay, chẳng có gì để chống đỡ, mình sẽ bị vùi dập
mà thôi. Cho nên Mai Thảo mới viết rằng:
Hãy chế lấy mây và gầy lấy nắng.
Chế lấy đừng vay mượn đất trời.
Để khi nhật nguyệt còn xa vắng.
Đầu hè vẫn có ánh trăng soi.
Biết chế ra mây, chế
ra nắng, chế ra ánh trăng, để khi không có mây, không có nắng, không có trăng,
thì mình vẫn có mây, có nắng và có trăng được dự trữ sẵn từ trước để dùng.
Đối với người tu, cái
dự trữ quan trọng nhất là niệm, định, tuệ. Ba nguồn năng lượng đó sẽ giúp mình
sống sót trong những giai đoạn khó khăn nhất của cuộc đời. Nếu không có một
chút niệm, một chút định, một chút tuệ nào thì khi gặp trường hợp ngang trái,
khó khăn, nguy biến, mình sẽ khổ đau rất nhiều. Mỗi giây phút của đời sống hằng
ngày là cơ hội để mình chế tác và để dành ba nguồn năng lượng niệm, định, tuệ ấy.
Việc làm này cũng như việc mình để dành củi cho những ngày mưa. Tuy nhiên, năng
lượng niệm, định, tuệ được cất chứa không phải chỉ được dùng cho những ngày
mưa, nó được đem ra sử dụng mỗi ngày. Sử dụng nó trong những ngày không mưa thì
ngày ấy thêm đẹp, thêm sáng sủa, thêm hạnh phúc.
Tuần trước, có một cô
thiền sinh viết thư cho tôi nói rằng: Con đang thực tập phương pháp nhận diện
và ôm ấp khổ đau mà thầy dạy cho con. Con bị mắc chứng trầm cảm, mỗi khi trầm cảm
tới thì con đi tắm, con tắm rất chánh niệm, con mời chứng trầm cảm tắm chung với
con. Con không công phá hay xua đuổi nó mà ôm lấy nó bằng ánh sáng chánh niệm.”
Cô nói tiếp: “Khi con
cho cái trầm cảm của con tắm thì con thấy nó là một phái đoàn chứ không phải là
một cá nhân. Con nhận diện trong nỗi trầm cảm của mình có những điều tiêu cực.
Ví dụ như có sự sợ hãi, có sự lo lắng, có cái mặc cảm rằng mình yếu kém, mình
không có giá trị gì hết. Con tự lên án, phê phán mình và nghĩ rằng người khác
cũng nhìn con bằng ánh mắt lên án phê phán như vậy. Trầm cảm tới với con như một
phái đoàn, có mặc cảm này rồi mặc cảm kia, nỗi buồn này cộng với nỗi buồn kia.
Con nhận diện từng thành viên của phái đoàn và cười với nó, sau đó thì con thấy
khỏe, con không còn là nạn nhân của nó nữa. Bây giờ mỗi khi phái đoàn trầm cảm
tìm tới thì con không còn sợ nữa, con mời nó vào và đối xử rất đàng hoàng, con
sẵn sàng có mặt để nhận diện và ôm ấp nó.”
Một người hành giả cư
sĩ làm được như vậy là rất giỏi.
Chúng ta có thể đặt
tên cho phương pháp này là thiền tắm. Sau một ngày làm việc mệt mỏi, khi bước
vào nhà tắm, chúng ta hãy tắm một cách thật chánh niệm, đừng có vội vã tắm cho
nhanh để đi ăn tối hoặc đi làm cái khác. Chúng ta phải biến nhà tắm thành thiền
đường và hai mươi hay ba mươi phút ấy là những giờ phút rất thiêng liêng. Chúng
ta buông thư tất cả những căng thẳng trong thân và trong tâm, mỉm cười để cho
những tia nước mát hoặc những tia nước ấm phả vào người mình, gột sạch đi những
bụi bặm trên thân và làm lắng dịu những lao xao trong tâm. Sau khi bước ra khỏi
nhà tắm, ta sẽ trở nên tươi mát, sảng khoái vì trong lúc tắm những trị liệu đã
xảy ra.
Chánh niệm là một loại
năng lượng mình có thể chế tác ra được trong mỗi giây phút, trong khi đi, khi
ngồi, khi ăn cơm, khi làm việc… Có chánh niệm rồi thì ta mới có khả năng nhận
diện, chăm sóc, chữa trị cho những nỗi khổ niềm đau. Tại vì những nỗi khổ niềm
đau đó chính là mình. Trong khi ôm nỗi khổ niềm đau của mình vào lòng thì ta cảm
thấy mình gần mình hơn ai hết, mình thấy ấm áp hơn. Còn ngoài ra, những lúc
khác là ta tìm cách trốn chạy chính mình. Mà trốn chạy chính mình thì làm sao
hiểu được chính mình. Cho nên tu tập là để trở về với chính mình, để có cơ hội
biết mình là ai.
Trong Đại Giới Đàn
Mùa Sen Mới có một sư cô từ Viện Phật Học Ứng Dụng ở Đức về để thọ giới lớn.
Tôi nhìn sư cô và hỏi:
– Ai mà trông quen vậy?
Con là ai? Con là ai mà thầy thấy quen quen?
Cố nhiên là tôi biết
rất rõ cô học trò của mình là ai, tên gì, tu được mấy năm, nhưng mà tôi vẫn hỏi:
“Con là ai ?” Sư cô đó trả lời:
– Dạ, con cũng không
biết con là ai nữa.
Rất là hay! Đúng là
thầy trò với nhau. Cả hai thầy trò nói giọng thiền với nhau. “Dạ, bạch Thầy con
cũng không biết con là ai nữa.” Có nghĩa là chính con cũng đang đi tìm con đây
mà. Cái đó không phải là phô bày bên ngoài, cái đó rất là thật. Mỗi người trong
chúng ta đều đang trên hành trình đi tìm chính mình. Mình chưa biết mình là ai
đâu. Chừng nào mình còn chưa biết mình là ai thì chừng ấy còn khổ đau. Sau khi
sư cô đó thọ giới xong, ở lại mấy tuần, trước khi về Đức lại lên chào tôi, lần
này tôi nói : “Hình như bữa nay Thầy biết con là ai rồi.”
Khi nhìn vào trong tự
thân ta thấy mình có hình hài, có cảm thọ, có tri giác, có tâm hành, có nhận thức.
Nhưng nhìn sâu vào năm uẩn đó, thì lại không thấy có một cái ta riêng biệt. Mà
thấy có cha, có mẹ, có ông bà tổ tiên tâm linh, tổ tiên huyết thống, thấy xã hội,
thấy văn hoá của nơi ta sinh sống ở trong đó một cách rất rõ ràng. Ta cố tìm một
cái ngã riêng biệt mà tìm không ra. Khi có cơ hội và thời gian để đi tìm lại
mình, chúng ta bắt đầu thoát ra khỏi ý niệm mình là một thực thể cô đơn, riêng
biệt. Chính vì mang ý niệm mình là một thực thể cô đơn, riêng lẻ nên mới có sợ hãi,
buồn phiền, khổ đau. Cho nên hành giả là người đang đi trên con đường tìm hiểu
chính mình, đang tìm cách trả lời câu hỏi: “Ta là ai?”
Ta có khả năng chuyển
hóa những tiêu cực thành tích cực cũng như sử dụng rác làm phân xanh nuôi cho
cây tốt tươi. Nếu không có bùn thì không có sen, bùn rất cần thiết cho sen. Những
khổ đau của mình cũng mang một sứ mạng và cũng có những lợi ích riêng. Vì vậy
mình phải thực tập làm quen với khổ đau của mình, làm bạn với khổ đau của mình,
ôm lấy niềm đau của mình. Khi thực tập được điều này rồi thì mình có thể chế
tác ra hỷ và lạc từ trong chính niềm đau, nỗi khổ kia.
Khi thiền sinh tới
Làng Mai, chúng tôi chỉ yêu cầu các bạn ấy có hai việc. Việc thứ nhất là phải tập
thở, tập đi, tập ngồi, tập ăn cơm sao cho có ý thức, có bình an. Nếu tới đây mà
bạn chưa chế tác được giây phút bình an, hỷ lạc thì bạn tới Làng Mai rất uổng.
Có thể bạn sẽ đặt câu hỏi: “Làm sao mà tôi có hỷ lạc được chứ? Ở trong tôi có
quá nhiều nỗi khổ, niềm đau nó chặn đường không cho tôi chạm tới hỷ lạc.” Câu
trả lời cũng là điều thứ hai mà chúng tôi yêu cầu ở các bạn thiền sinh. Đó là
trong trường hợp ấy bạn hãy cho nỗi khổ niềm đau của bạn đi tắm, tắm bằng năng
lượng của chánh niệm. Tại vì sự thực tập thiền ngồi, thiền đi, ăn cơm chánh niệm
là để chế tác năng lượng chánh niệm. Mà năng lượng chánh niệm có rồi thì khổ
đau không còn đáng sợ nữa. Khổ đau tới, mình không xua đuổi, trốn chạy mà mời
vào tắm cho vui. Tu thì phải có khả năng làm cái đó, phải chế tác hỷ và lạc, phải
có khả năng nhận diện, ôm ấp và chuyển hoá khổ đau.
Người tu giỏi là một
nghệ sỹ, nghệ sỹ có khả năng chế tác hỷ lạc, nghệ sỹ có khả năng ốm ấp, chuyển
hoá những nỗi khổ niềm đau của mình, mình nương vào nhau, mình học hỏi nhau. Và
những bài pháp hay nhất là những bài pháp giúp cho mình có thêm phương tiện, có
thêm hiểu biết để có thể làm được công việc đó. Cho nên, trước khi ngồi thiền nửa
giờ hay là 45 phút thì mình phải đặt câu hỏi là ngồi như thế nào để có thể chế
tác được một ít hỷ, một ít lạc, nếu không thì ngồi chỉ tốn thì giờ vô ích thôi.
Khi đi thiền hành cũng vậy dù là đi một mình hay đi với đại chúng, đó đều là một
cơ hội để chế tác hỷ lạc bằng mỗi bước chân, chứ đừng có đi lấy lệ. Nếu chế tác
chưa được thì phải học để làm cho được. Có những người trong chúng ta có khả
năng chế tác hỷ lạc trong mỗi bước chân, trong từng hơi thở. Khi rửa bát hay
quét nhà mình cũng thực tập chánh niệm để làm phát khởi niềm hỷ lạc. Khi làm đồ
ăn sáng cho những người thân, đừng làm chỉ để mà có đồ ăn, mà phải làm bằng
tình thương với niềm hỷ lạc. Hỷ lạc làm cho năng lượng chánh niệm và chánh định
hùng tráng hơn.
Khi chánh niệm và chánh định hùng hậu thì mình sẽ có những cái thấy, những cái hiểu rất sâu sắc. Chính những cái thấy, những cái hiểu này giúp mình vượt thoát khỏi sự đau buồn, lo lắng, sợ hãi, ganh tị. Cái đó gọi là giải thoát. Mục đích của ta không phải chỉ để có hỷ, có lạc; mục đích của ta cũng không phải chỉ là ôm ấp và chuyển hóa những nỗi khổ, niềm đau. Mục đích của ta sâu hơn nhiều, đó là đạt tới những cái thấy rất thâm sâu. Và cái thấy thâm sâu đó giúp ta vượt thoát khỏi những lo lắng, sầu khổ, sợ hãi, ganh tị của mình.
Thiền Sư Thích Nhất Hạnh
Nó Đây Rồi
Khi các bạn đến Làng
Mai, chúng tôi tập cho các bạn biết ngồi thiền, đi thiền, ăn cơm trong chánh niệm,
thở có ý thức. Với những sự thực tập đó, chúng ta chế tác ra được năng lượng của
niệm, của định và của tuệ. Chúng ta có nhiều hạnh phúc, nhiều an lạc trong thực
tập thiền đi, thiền ngồi, thiền ăn cơm, thiền làm việc, thiền thở. Đây không phải
là những lao tác mệt nhọc, chảy mồ hôi. Có thể nói, những giây phút đẹp nhất của
đời mình là những giây phút được ngồi thiền, được đi thiền. Trong những giây
phút ấy, mình cảm thấy rất là khoẻ, rất nhẹ, rất hạnh phúc. Đó không phải là một
cảm giác mạnh như khi uống rượu hay khi nằm tận hưởng cảm giác say thuốc của ma
túy, mà rất dễ chịu, rất tịnh lạc.
Nhiều người trong
chúng ta đã đạt được trạng thái tịnh lạc, trạng thái nhẹ nhàng trong khi thiền
tập, và ngoài những điều ấy, chúng ta không mong ước gì nữa cả. Như vậy là quá
đủ hạnh phúc rồi. Bất cứ hành giả nào cũng có thể đạt tới được điều đó, nếu họ
muốn. Có những lúc ba trăm người, năm trăm người, một ngàn người cùng thực tập
thiền hành với nhau, cùng leo lên đồi với những bước chân thảnh thơi, an lạc,
vui tươi, tiếp xúc được với những mầu nhiệm, những cái đẹp của đất trời. Mỗi bước
chân, mỗi hơi thở trong những giây phút đó đưa lại cho mình hạnh phúc rất lớn. Lúc ấy, mình nghĩ rằng, mình không cần
đi tìm cầu gì nữa hết. Trên mỗi bước chân, mỗi hơi thở, mình đã tràn trề hạnh
phúc rồi. Mình có thể nói: “This is it!”, cái mà mình đang đi kiếm nó nằm đây rồi.
Nếu quý vị nào đã trải qua kinh nghiệm đó một vài lần thì mình biết hạnh phúc
là cái gì có thật.
Hạnh phúc này nhiều
hay ít, sâu hay cạn đều tùy thuộc vào niệm và định của mỗi người. Nếu niệm và định
hùng hậu thì chắc chắn hạnh phúc đạt được sẽ rất lớn. Trong khi ngồi thiền,
lưng của mình thẳng và buông thư, miệng nở một nụ cười hàm tiếu, chú ý tới hơi
thở, và thở rất nhẹ nhàng. Ta cảm thấy hơi thở đi vào trong từng thớ thịt,
trong từng tế bào, đem lại sự an và lạc. Ta đã chế tác được hỷ, chế tác được lạc.
Hỷ và lạc nhiều hay ít tùy thuộc vào phẩm chất của niệm và định. Biết rằng hỷ
và lạc vô thường, nhưng nó vẫn là hỷ, vẫn là lạc. Hỷ lạc này đi qua, hỷ lạc
khác sẽ đến. Với những phương tiện sẵn có, ta có thể làm cho hỷ lạc luôn hiện
diện. Với nụ cười, hơi thở và bước chân, ta có thể mang hỷ lạc trở về. Người tu
có quyền hưởng hỷ lạc, không sao hết. Tuy nhiên, chư Tổ cũng đã nhắc, mình phải
biết đi xa hơn, đừng dừng lại ngang chỗ ấy. Bởi nếu mình có niệm và định hùng hậu,
mình có thể chọc thủng được bức màn vô minh và đạt tới tuệ giác. Có tuệ giác là
có giải thoát. Sự giải thoát sẽ cho ta hạnh phúc lớn vô cùng. Giải thoát ở đây
là thoát khỏi sự sợ hãi, lo lắng.
Tuy có hỷ, có lạc nhưng hỷ lạc ấy vẫn còn tiềm ẩn sự sợ hãi, sự
lo lắng. Nếu mình chỉ an trú trong cái lạc, cái hỷ này thôi thì hơi uổng. Mục
đích chính của năng lượng niệm, định không phải để chế tác hỷ lạc mà để chọc thủng
màn vô minh. Chọc thủng được màn vô minh, mình sẽ có được tuệ giác. Chính cái
tuệ sẽ giúp tháo gỡ, giải phóng khỏi những khó khăn. Chúng ta nên biết, mục
đích tối hậu của người tu là giải thoát. Giải thoát đưa tới hỷ lạc rất lớn. Giải
thoát này không phải do ân huệ của một đấng thiêng liêng. Giải thoát là do có
trí tuệ.
Ví dụ, có đức tin âm
thầm nơi một cái ngã thường hằng bất biến sẽ tạo ra nhiều lo lắng, nhiều sợ
hãi, nhiều đam mê. Tất cả những điều ấy đều dựa trên nền tảng là phiền não si.
Si có thể đem theo sân và tham, nhưng si là cái căn bản. Si tức là thiếu trí tuệ.
Nếu còn si thì cái hỷ lạc chưa được sâu, chưa được lớn. Ví dụ, hôm nay, mình
còn sống, mình không bệnh tật nhiều, mình có thể chế tác được hỷ, được lạc nhờ
thực tập theo phương pháp Bụt dạy, nhưng ngày mai, nếu mình bệnh thì những điều
ấy có còn tiếp tục được không? Đó là những nỗi lo lắng, sợ hãi phát sinh dựa
trên nền tảng của cái thấy về thường, về ngã. Do vậy, phải dùng tuệ để phá cái
thường, cái ngã, cái vô minh.
Tỉnh Cả Hai Giấc Mộng
Một hôm tôi nằm mơ thấy
mình đang chạy giặc. Nếu mình là người Việt Nam sinh vào những năm có chiến
tranh, hoặc là người Iraq, là người Palestine, là người Do Thái, thì sẽ có lúc
mình mơ thấy mình đang chạy giặc. Mặc dù hòa bình đã được lập lại, nhưng những
cảnh tượng hãi hùng khi chạy dưới bom đạn trong chiến tranh vẫn còn đọng lại
trong tâm thức, thỉnh thoảng nó sẽ trỗi dậy trong giấc mơ. Trong cơn mơ, mình
thấy mình đang chạy và xung quanh mình cảnh tượng rất hỗn loạn. Nhưng lúc ấy,
mình không biết được rằng, trong thực tế thân của mình vẫn còn nằm yên trên giường.
Mình đinh ninh rằng, mình đang chạy dưới bom đạn và hoàn cảnh của mình là chạy
giặc. Tất cả chúng ta, nếu đã từng trải qua chiến tranh, thì đều có thể có những
giấc mơ như vậy. Trong giấc mơ, mình tin rằng mình có một cái ngã, cái thân và
một hoàn cảnh. Mình tin rằng, những điều này là có thật. Nhưng chỉ khi thức dậy,
mình mới biết được rằng, những cái đó không có thật, người đang nằm ngủ mới là
thật, cái phòng ngủ mới là thật, cây đèn để bên cạnh mới là thật. Trong giấc mơ
đó, lúc tôi chạy được đến một chỗ không có bom đạn, đường vắng, thì tôi tự nhủ
rằng chỗ này vắng, mình có thể thiền hành được, rồi tôi thiền hành trong mơ.
Trong khi thiền hành,
tôi thấy rõ ràng, đây là giấc mơ chứ không phải sự thật. Trong mơ, nếu biết
mình đang mơ nghĩa là gần tỉnh rồi. Thái Hư đại sư có nói: “Mộng trung ngộ mộng
trùng mê mộng” (trong mơ mà biết đang mơ thì vẫn còn ở trong mơ). Nhưng mà có
cái lạ là khi bắt đầu đi thiền hành, tôi biết rằng, người đang đi thiền hành là
một ảo tưởng, và hoàn cảnh mà tôi đang thiền hành trong đó là ảo tưởng. Khi tỉnh
dậy, tôi biết, đây chỉ là giấc mơ, không có thật. Không có thật nhưng mà khi mơ
thì rất là thật. Nó có sự sợ hãi, nó có sự lo lắng, nó có sự hấp tấp để chạy
trong tiếng bom. Khi thức dây, tôi tiếp tục thở. Vì tôi đã bắt đầu thở và đi những
bước chân chánh niệm trong giấc mơ rồi. Và tôi còn thấy được, con người đang nằm
trên giường và hoàn cảnh ấy cũng là một loại mộng nữa.
Trong cảnh giới mộng
của giấc ngủ, tất nhiên con người và hoàn cảnh đều là mộng, nhưng trong cảnh giới
tỉnh này, con người và hoàn cảnh cũng là mộng. Vì sao? Vì mình còn sống dưới ảnh
hưởng của tà kiến, ảo giác. Chúng ta tưởng mình tỉnh, nhưng kỳ thực mình vẫn
còn mơ. Chúng ta tưởng rằng thân này là thường. Khi thân này chết đi, ta tiếp tục
lên thiên đường hay xuống địa ngục. Mình thấy thế giới mà mình đang sống đây là
thực hơn cái thế giới trong giấc mộng, nhưng nó vẫn là một loại mộng.
Do vậy, triết học, đạo
học và khoa học đang đi tìm sự thật, bởi người ta không tin vào cảm giác của
chính mình. Nhà khoa học, nhà đạo học, nhà triết học đang đi tìm sự thật, và cả
ba đều có cảm tưởng là mình đang sống trong cơn mộng thứ hai dù đã tỉnh được
cơn mộng thứ nhất. Có một người đã ra khỏi cơn mộng thứ hai và đã hiến tặng cho
chúng ta những phương pháp thực tập để chúng ta cũng có thể thoát ra khỏi cơn mộng
thứ hai, người đó gọi là Bụt. Bụt là một nhà đạo học. Buddha có nghĩa là người
tỉnh thức. Khi tỉnh thức rồi thì không còn cái ảo tưởng rằng mình là một cái
ngã thường tại, không còn cái ảo tưởng rằng thế giới này là một cái độc lập
ngoài cái ngã. Người tu tập không chỉ nên đi tìm một ít hỷ lạc để sống lay lắt
cho qua ngày, cho bớt khổ. Mục đích của chúng ta là phải đi xa hơn, là phải chọc
thủng giấc mơ thứ hai. Chúng ta vẫn còn chìm đắm trong giấc mơ thứ hai. Nhưng tất
cả chúng ta đều có khả năng thoát khỏi giấc mơ thứ hai. Bởi trong mỗi người đều
có hạt giống của chánh niệm. Nếu niệm, định hùng hậu, mình ắt có tuệ. Chính tuệ
sẽ lay chúng ta tỉnh cơn mơ thứ hai. Khi tỉnh dậy, ta thấy rõ ràng, thân này
không chắc thật, nó chỉ là một biến hiện của nghiệp thức, và thế gian này cũng
vậy, chỉ là một biến hiện của nghiệp thức. Trong thế kỷ 21, các nhà khoa học,
các nhà đạo học có thể nắm tay nhau làm việc để giúp mọi người tỉnh dậy từ cơn
mơ thứ hai. Cơn mơ nào cũng có thể qua được, nếu chúng ta có đủ niệm, định, tuệ.
Ta phải biết tin tưởng rằng mình có khả năng tỉnh lại từ cơn mơ thứ hai.
Tin Mừng
Thánh kinh của đạo Cơ
Đốc được gọi là tin mừng, bởi có Chúa cứu chuộc mình. Trong đạo Bụt cũng có tin
mừng, bởi Bụt nói rằng, mọi chúng sanh đều có Phật tánh, mọi chúng sanh đều sẵn
có hạt giống của niệm, của định và của tuệ hay hạt giống của sự giác ngộ. Sáng
nay, trước giờ pháp thoại, chúng ta đã có niệm bài Tam Quy. Trong bài này có đoạn:
“Về nương Bụt trong con.” “Bụt trong con” là một cái gì rất cụ thể, có thể sờ
mó được chứ không phải là một niềm tin mơ hồ. Mình không đi tìm Bụt ở cõi trời
xa thẳm trong không gian và thời gian. Đó là hạt giống của tỉnh thức. Đó là vốn
liếng của mình. Sau này, có thức dậy được hay không là nhờ cả vào nó. Tất cả
chúng ta đều là những người mê, mê rất sâu. Nhưng mức độ mê của mỗi người khác
nhau.
“Trăng sáng sau khi trời đã tạnh
Hiên ngoài thoang thoảng gió hương đưa
Tiếng chuông ngân gợi trong đêm vắng
Thử hỏi hồn ai đã tỉnh chưa.”
Đó là thơ của thầy Mật
Thể. Chúng ta đang còn mê. Trần gian muôn bến mộng nên ta hãy còn mê. Nhưng
chúng ta có cơ duyên được gặp Phật pháp, được Bụt trao truyền cho phương pháp
thực tập. Chúng ta có đức tin rằng ta cũng như Bụt. Có tính Bụt ở trong lòng, ta có thể chọc thủng được
màn vô minh để đạt được tuệ giác hay giải thoát. Lúc này, ta mới có hỷ lạc đích
thực, không còn sự lo lắng sợ hãi nữa. Ta sẽ thoát ra khỏi những cái thấy như
là thường, ngã, thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ kiến, giới cấm thủ kiến.
Hạnh phúc của chúng ta đạt được sẽ rất lớn.
Đừng Đánh Mất Những Cơ Hội
Các thầy, các sư cô
phải biết rằng được sống với nhau trong tu viện như một cộng đồng cùng tu tập với
nhau thì có rất nhiều lợi ích. Nếu sống chung, mình có thể nâng đỡ nhau trong sự
thực tập. Nếu sự thực tập của mình còn yếu, mình sẽ được nương vào sự thực tập
vững chãi của anh mình, chị mình, em mình. Đây là một lợi thế. Chúng ta có thể
tu một mình, nhưng chúng ta có thể sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Được tu tập theo
đại chúng, mình sẽ ổn định hơn, bởi trong đại chúng có thời khóa đàng hoàng. Dù
có lười biếng, có mệt mỏi, khó khăn, nếu đi theo đại chúng, mình sẽ vượt qua những
cản trở ấy một cách dễ dàng. Ví dụ, sáng dậy, mình không muốn đi ngồi thiền,
nhưng có sư chị kéo dậy, mình ráng vào thiền đường ngồi. Nhưng khi ngồi xuống
và bắt đầu thở thì mình cảm thấy khỏe, thấy nhẹ, thấy được nuôi dưỡng. Nếu
không có sư chị, mình đâu có cái cơ hội ấy. Chúng ta phải mừng, vì chúng ta có
cơ hội được tu. Những vị cư sĩ có ít cơ hội tu tập hơn các thầy các sư cô vì
quý vị còn phải lo cho gia đình, lo kế sinh nhai và không có một môi trường tốt
như trong tu viện để thực hành. Mình đã có may mắn được đi xuất gia, có thầy,
có Tăng thân, có vô vàn những cơ hội, chúng ta phải biết nắm lấy và trân quý. Nếu
chúng ta không biết tận dụng, thì quả chúng ta là người dại dột nhất trên đời.
Trong đại chúng, có
những người có thể làm hạnh phúc cho nhiều người khác như nấu ăn rất ngon, làm
bánh mì rất giỏi, chăm sóc vườn hoa, vườn rau, vườn cảnh rất đẹp, tổ chức Phật
đản, tổ chức Giáng sinh rất khéo. Trong đại chúng cũng có những người không có
những tài năng đó, nhưng có khả năng ngồi thiền rất hạnh phúc, đi thiền cũng có
hạnh phúc, ngồi trong lớp học cũng có hạnh phúc. Có những sư em mới tu được 3
tháng, 4 tháng, nhưng niềm hạnh phúc của những sư em đó đã trở thành nguồn vui
cho đại chúng rồi. Khi ngồi thiền, mình có được những giây phút hỷ và lạc, những
cái đó nuôi mình nhưng cũng nuôi thầy, nuôi đại chúng. Do vậy, mình có thể nuôi
thầy, nuôi đại chúng bằng những bước chân, nụ cười, hơi thở có hạnh phúc. Mình
không cần phải tu nhiều năm mới có thể làm được chuyện đó. Dù đang là tập sự xuất
gia mình vẫn có thể làm được chuyện ấy. Chúng ta biết rõ, chúng ta có rất nhiều
điều kiện để có hạnh phúc, hạnh phúc không ở đâu xa. Nhưng tại sao chúng ta vẫn
tiếp tục rong ruổi tìm cầu?
Mặc dù trong thân ta
vẫn còn một vài đau nhức, vẫn còn chút bệnh tật sơ sơ, và trong tâm vẫn còn một
vài lo lắng, buồn khổ nho nhỏ, nhưng chúng không ngăn cản chúng ta có hạnh phúc
được. Giống như khi một cơn bão đi qua, chúng ta vẫn còn một ít đèn cầy, một ít
củi, không nhiều lắm, nhưng đủ sưởi ấm. Chúng ta không cần phải có sức khoẻ
toàn hảo, chúng ta không cần phải lấy hết ra tất cả những phiền não thì mới có
thể thưởng thức những giờ ngồi thiền, những giờ thiền hành của mình. Không cần!
Có thể chúng ta còn mang theo một ít sự đau nhức trong cơ thể và trong tâm hồn,
nhưng với sự thực tập chúng ta vẫn có thể chế tác hỷ lạc để nuôi mình, để nuôi
đại chúng và để nuôi thế giới. Chỉ mới thực tập niệm thôi thì ta đã bắt đầu có
hạnh phúc rồi, huống hồ là khi niệm hùng hậu, định hùng hậu. Nếu tiếp xúc với
các hiện tượng dưới ánh sáng của định thì sự tiếp xúc ấy sẽ rất sâu sắc, hạnh
phúc sẽ vô cùng lớn. Hơn nữa, nếu ta đạt đến tuệ giác nhờ niệm và định hùng hậu,
ta sẽ buông bỏ được những lo lắng, sợ hãi, sầu khổ, ganh tỵ. Lúc này hỷ lạc của
ta sẽ vô cùng lớn, chúng ta không cần đi đâu để tìm hỷ tìm lạc. Nếu chúng ta
phóng tâm đi tìm hạnh phúc ở một nơi khác hoặc tìm ở tương lai thì điều này đồng
nghĩa là chúng ta đang bị thất bại trong sự thực tập của mình.
Xem Tiếp Chương 15 – Quay Về Mục Lục
0 Đánh giá